Nguy hiểm chứng bệnh “rối loạn nhân cách ranh giới”

Nguyễn Liên, icon
07:00 ngày 24/11/2018

VTV.vn - Cảm xúc thay đổi nhanh, luôn có cảm giác bị bỏ rơi, có xu hướng tự hủy hoại bản thân…, bạn có thể đã bị mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới khi có những biểu hiện này.

Người rối loạn nhân cách ranh giới luôn có xu hướng thái quá cảm xúc của bản thân (Hình minh họa: everydayhealth.com)

Theo PGS.TS. Đặng Hoàng Minh, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần thuộc nhóm rối loạn nhân cách. Đây là một loại bệnh tâm thần hết sức nguy hiểm khi có tỷ lệ người mắc còn cao hơn tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực. Hiện nay, số lượng nữ giới mắc căn bệnh này cao hơn nam giới với tỷ lệ là 3:1. Rối loạn nhân cách ranh giới đặc trưng bởi khuôn mẫu bất ổn định liên tục trong cảm xúc, hình ảnh bản thân và hành vi của người bệnh. Những dấu hiệu này thường dẫn đến các hành vi xung động và các vấn đề trong mối quan hệ xã hội.

Các cá nhân có rối loạn nhân cách ranh giới có sự chuyển đổi tâm trạng nhanh chóng, thể hiện sự không chắc chắn trong cách nhìn nhận về bản thân mình cũng như vai trò của mình trong các mối quan hệ. Do vậy, hứng thú và giá trị của họ thay đổi nhanh chóng. Những người này cũng có xu hướng nhìn mọi việc theo hướng đẩy lên cực điểm, mọi thứ hoặc hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu và sức chịu đựng, khoan dung của họ rất kém. Nhìn nhận về người khác của họ cũng thay đổi khi một người được họ xem là bạn hôm nay nhưng rất có thể sẽ trở thành người phản bội hoặc thù địch vào ngày hôm sau. Chính những cảm xúc chuyển đổi nhanh như vậy dẫn đến các mối quan hệ không bền vững và căng thẳng.

Một số dấu hiệu và triệu chứng khác của rối loạn nhân cách ranh giới là các nỗ lực để tránh né cảm giác bị bỏ rơi (có thể thực hoặc do tưởng tượng) như nhanh chóng có những quan hệ thân mật cả về cảm xúc và cơ thể hoặc cắt đứt giao tiếp với người nào đó vì sợ họ bỏ mình trước. Những người này cũng có quan hệ bất ổn và căng thẳng với gia đình, bạn bè, người yêu, chuyển nhanh từ thân thiết, yêu thương sang tức giận, ghét bỏ.

Bên cạnh đó, những biểu hiện như bóp méo hình ảnh bản thân; có các hành vi nguy hiểm hoặc xung động (chơi bời thâu đêm, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chất kích thích, lái xe bất cẩn, ăn uống vô độ…); thay đổi cảm xúc đột ngột; thường xuyên có cảm giác trống trải, trống rỗng; không có cảm nhận tốt về mình, về nhân cách của mình đều là những biểu hiện của rối loạn nhân cách ranh giới. Cũng theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh, rối loạn nhân cách ranh giới có nhiều biểu hiện khá tương đồng với căn bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, điểm khác biệt của bệnh nhân mắc chứng bệnh này là sự kháng cự với trị liệu rất cao, không duy trì được điều trị, lúc đến lúc đi không báo trước do sự bất ổn định về mặt cảm xúc của mình.

Nguy hiểm chứng bệnh “rối loạn nhân cách ranh giới” - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách ranh giới thường có suy nghĩ tự sát (Hình minh họa: motivational-tips.com)

Rối loạn nhân cách ranh giới có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường khi những người mắc chứng bệnh này thường có hành vi tự làm tổn thương bản chân (cắt, rạch tay chân) hay suy nghĩ về tự sát. Việc tâm trạng bất ổn, thường có các hành vi xung động cũng có thể khiến họ gặp tai nạn, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng bất cứ lúc nào.

Theo một nghiên cứu mới đây tại Hoa Kỳ, có khoảng 1,6 đến 5,9% dân số nước này mắc rối loạn nhân cách ranh giới với tỷ lệ tự sát của nhóm này lên đến 10%, cao hơn 50 lần so với tỷ lệ trong dân thường. Trong số bệnh nhân lâm sàng, rối loạn nhân cách ranh giới là rối loạn nhân cách thường gặp nhất với khoảng 10% trên tổng số bệnh nhân có rối loạn tâm thần điều trị ngoại trú và khoảng 15 đến 25% bệnh nhân nội trú.

Tại Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu dịch tễ nào đánh giá được tỷ lệ người mắc rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, theo số liệu của SAVY (Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam) năm 2009, có tới 7.5% vị thành niên và thanh niên Việt Nam (14 đến 25 tuổi) tự gây thương tích - một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của căn bệnh này. Mới nhất, trong một nghiên cứu gần đây của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, có tới 26% học sinh THCS có hành vi tự hủy hoại bản thân. Đây là con số cảnh báo về khả năng mắc rối loạn nhân cách ranh giới của giới trẻ Việt Nam sau này (rối loạn nhân cách ranh giới chỉ có thể được chuẩn đoán và kết luận khi người bệnh đủ 16 tuổi).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục