Nguy hiểm hội chứng ngưng thở ở trẻ sinh non

icon
09:07 ngày 30/04/2018

VTV.vn - Chứng ngưng thở ở trẻ khá phổ biến đối với trẻ sinh thiếu tháng. Chứng bệnh này rất đáng sợ khi đang xảy ra.

Qua nghiên cứu tổng hợp các tài liệu, Ts.Bs Trương Hồng Sơn- Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: sau khi ra đời, trẻ sơ sinh thường phải thở liên tục mới đủ ôxy. Đối với trẻ sinh non, một phần hệ thần kinh trung ương có nhiệm vụ kiểm soát chu kỳ hô hấp vẫn chưa được hoàn thiện đủ để đáp ứng nhu cầu thở liên tục của trẻ. Điều này làm cho trẻ thở nhiều, dồn dập sau nhiều đợt thở không sâu hoặc ngừng thở hẳn kéo dài trên 20 giây. Trong y khoa, đây được gọi là chứng ngưng thở ở trẻ sinh non. Trong khoảng thời gian ngừng thở, nhịp tim của trẻ cũng sẽ chậm lại hay còn gọi là nhịp chậm xoang.

Hội chứng ngưng thở ở trẻ sinh non khá phổ biến, khoảng 80% trẻ sinh non trước tuần 30 của thai kỳ sẽ gặp phải tình trạng này với nhiều mức độ. Hiện tượng ngưng thở thường khởi phát vào ngày đầu tiên sau khi trẻ ra đời với tần xuất 1-2 đợt/ngày hoặc có thể nhiều hơn. Khi não của trẻ phát triển hoàn chỉnh, hiện tượng này sẽ tự biến mất do trung tâm hô hấp của não bộ đã trưởng thành, thường vào khoảng 40 tuần tuổi thai.

Các ông bố, bà mẹ chưa quen với hiện tượng này có thể hết sức hoảng sợ. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, chứng ngưng thở sẽ tự hết mà không để lại di chứng gì. Các bác sĩ phụ trách chăm sóc sức khỏe cho trẻ sinh non thường chỉ quan ngại khi khoảng thời gian ngưng thở kéo dài hay chứng ngưng thở là triệu chứng của một căn bệnh nào đó như hạ đường huyết hay nhiễm trùng. Khi những vấn đề này được điều trị khỏi thì chứng ngưng thở cũng sẽ hết đi.

Những đứa trẻ được chăm sóc tại đơn vị hồi sức sơ sinh được kiểm tra thường xuyên nhịp tim và nhịp thở, và nếu hiện tượng ngưng thở xảy ra các bác sĩ có thể lưu ý ngay lập tức. Thông thường bác sĩ sẽ cần tác động kích thích một lực nhỏ trên cơ thể để trẻ có thể thở lại được bình thường. Đôi khi chỉ cần xoa nhẹ là đủ.

Một số trẻ sinh non rất sớm là nhóm đối tượng nguy cơ cao hay gặp phải tình trạng ngưng thở có thể được chỉ định dùng thuốc để giúp kích thích hô hấp như caffein. Loại thuốc này chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ cũng đủ để gây kích thích hô hấp và giúp trẻ thở được thường xuyên hơn. Một số trẻ khác cần thiết sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp ngay cả khi trẻ không bị mắc bệnh về phổi hay chỉ bị nhẹ bao gồm thở áp lực dương, đặt nội khí quản và thở máy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục