Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm màng não để tránh biến chứng

Thu Huế, icon
02:11 ngày 07/06/2020

VTV.vn - Viêm màng não là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên các triệu chứng thần kinh nặng nề. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em.

Bệnh nhi viêm màng não điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bệnh viêm màng não có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 50% các trường hợp mắc. Đối với những trường hợp bệnh nặng, dù được cứu sống cũng để lại những di chứng vô cùng nặng nề, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não, bao gồm: nguyên nhân do vi khuẩn, virus, lao, kí sinh trùng hoặc nấm. Trong đó viêm màng não do vi khuẩn và virus là chủ yếu. Triệu chứng điển hình của bệnh viêm màng não là sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ.

Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn, bệnh dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tổn thương các dây thần kinh sọ não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, tắc nghẽn dịch não tủy, sốc huyết phủ tạng, nặng nề nhất là tử vong. Với những trường hợp bệnh nặng, mặc dù bảo toàn được mạng sống nhưng phải chịu di chứng nặng nề như mù, câm, điếc, liệt, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh… Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng hiện nay khá nhiều bậc phụ huynh thiếu kiến thức về căn bệnh này, khiến trẻ mắc bệnh phải đối mặt với nguy cơ di chứng nặng.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhi Y P. Byă (12 tuổi) ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Theo các bác sĩ Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, co giật. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não.

Sau nỗ lực cứu chữa, tính mạng của bênh nhi được bảo toàn, nhưng vì nhập viện quá muộn, khi bệnh diễn tiến nặng nên di chứng để lại là bệnh nhi bị yếu hai chân, nguy cơ liệt, tinh thần không tỉnh táo, nói năng không ý thức. Trước đó, bệnh nhi chưa tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não.

Một trường hợp viêm màng não khác đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp là bệnh nhi Đỗ Minh S.(10 tuổi) ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Mẹ bệnh nhi cho biết: Khi thấy cháu kêu đau đầu, sốt cao liên tục, gia đình đã tự mua thuốc về uống nhưng sau 4 ngày vẫn không có dấu hiệu đỡ mới đưa vào bệnh viện khám. Sau vài ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi có tiến triển nhưng chậm, vẫn còn sốt và nằm li bì.

Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Khoa Nhi tổng hợp, những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm màng não dễ khiến các bậc phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh cảm sốt thông thường khác nên hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng. "Ngoài dấu hiệu chung là sốt cao, bệnh này, tùy vào từng độ tuổi, còn các dấu hiện điển hình khác nhau. Ví dụ ở trẻ sơ sinh, sẽ có dấu hiệu khóc thét, nôn vọt, tức là ăn vào nôn ngay. Ở những trẻ còn thóp trên đầu thì thóp phồng lên, nếu nặng hơn thì có thể co giật. Ở trẻ lớn hơn, có thể thêm dấu hiệu đau đầu, gáy cứng, cúi đầu không được, sợ ánh sáng…" - bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết.

Để phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn, TS.BS Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo:

- Thứ nhất, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine phòng viêm màng não do vi khuẩn phế cầu, do vi khuẩn HIB.

- Thứ hai, viêm màng não thường do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ nhiều con đường như đường họng, đường tiêu hóa. Do đó, để phòng bệnh viêm màng não thứ phát, cần tránh cho trẻ bị viêm họng, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp…

- Thứ ba, cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có một cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng để phòng tránh các loại bệnh chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục