Nhân viên y tế liên tục ép tim, cứu sống bệnh nhân COVID-19 bị nhồi máu cơ tim cấp

Linh Chi, icon
02:21 ngày 26/07/2021

VTV.vn - Các bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 12 TP. Hồ Chí Minh vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh COVID-19.

Ép tim cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân nữ L.TT.N. (64 tuổi, trú tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh) vào Bệnh viện Dã chiến số 12 lúc 15h ngày 25/7. Khoảng 19h cùng ngày, các y bác sĩ trực phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân than đau ngực trái, khó thở... nên vội liên hệ với đội trực cấp cứu.

Sau khi nghe mô tả các chi tiết, bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung, Đội trưởng đội cấp cứu, Bệnh viện Dã chiến số 12 nghĩ ngay đến nhồi máu cơ tim cấp. Bác sĩ Dung đã hướng dẫn điều dưỡng tiêm Lovennox 60mg (tiêm dưới da 1 ống), tiêm Solu Merol 40mg (1 ống tiêm mạch chậm) truyền dịch NaCl 0,9% 500ml, tốc độ 60 giọt/phút... còn bác sĩ thì nhanh chóng mặc trang phục phòng hộ, đeo khẩu trang cấp tốc đến phòng bệnh.

15 phút sau, bệnh nhân diễn tiến xấu, ngừng tim, ngừng thở, lúc đó, bác sĩ Dung cùng các bác sĩ và điều dưỡng nhanh chóng tiến hành hồi sức ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng Ambu hỗ trợ thở cho bệnh nhân, đồng thời, tiêm thêm Adrenalin, Midazolam 5mg 1 ống tiêm mạch. Cùng lúc, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phòng Kế hoạch tổng hợp liên hệ Sở Y tế nhờ hỗ trợ máy phá rung tạo nhịp tim. 

Sau khi có máy phá rung tạo nhịp tim, các y bác sĩ liên tục luân phiên nhau hồi sức ép tim, bóp bóng… Khoảng 1 tiếng sau, bệnh nhân có nhịp tim rời rạc, bác sĩ Dung và ê-kíp biết là bệnh nhân vẫn còn cơ hội sống nên tiếp tục ép tim, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch.

Sau gần 2 tiếng hồi sức, bệnh nhân có dấu hiệu sống trở lại, nhịp tim 115 lần/phút, huyết áp 130/90mmhg, chỉ số SpO2 90%. Bệnh nhân có tri giác trở lại, ê-kíp quyết định vừa cấp cứu vừa chuyển viện cho bệnh nhân lên bệnh viện tuyến cao hơn.

Theo bác sĩ Dung, bệnh nhân này bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh nhiễm COVID-19. Bệnh nhân bị COVID-19 có nguy cơ rối loạn đông máu. Trong lòng mạch máu sẽ tạo cục máu đông, di chuyển theo hệ tuần hoàn, đến tim sẽ gây nhồi máu cơ tim, đến phổi sẽ gây nhồi máu phổi, thuyên tắc phổi hay đến não sẽ gây nhồi máu não...

"Vì vậy, khi gặp trường hợp này, tôi nghĩ có thể bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim mặc dù không có các xét nghiệm chẩn đoán và nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, nhờ sự kiên nhẫn, nỗ lực của cả ê-kíp nên bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm" - bác sĩ Dung chia sẻ.

Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 được thành lập tại Khu tái định cư Thủ Thiêm, phường An Khánh, TP. Thủ Đức do Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh đảm nhận với quy mô khoảng 4.000 giường. Tính đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 1.034 trường hợp F0 và nhờ nỗ lực, theo dõi, xử trí kịp thời của các y, bác sĩ nên chỉ có 4 trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục