Nhiều kỹ thuật mới mang hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn

P.V, icon
08:00 ngày 17/02/2022

VTV.vn - Vợ chồng vô sinh lâu năm, AMH thấp, nội mạc mỏng, không có tinh trùng... có thể thụ tinh ống nghiệm thành công nhờ các kỹ thuật hiện đại ngay tại Việt Nam.

Chắt chiu từng cơ hội tìm con

ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, hàng ngàn em bé khỏe mạnh chào đời từ Hệ thống IVF Tâm Anh với tỷ lệ thành công lên đến 80% trên cả các ca bệnh khó, đã khẳng định tay nghề của các bác sĩ cũng như sự đóng góp quan trọng của các thiết bị máy móc hiện đại. Từ đó mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn lâu năm, phụ nữ dự trữ buồng trứng thấp, nam giới không có tinh trùng, thất bại chuyển phôi nhiều lần…

“Hầu hết các cặp vợ chồng khi đến khám với chúng tôi đều là các ca bệnh khó, lại tha thiết có con chính chủ khỏe mạnh. Đó lại là động lực để chúng tôi quyết tâm áp dụng nhiều phác đồ, kỹ thuật hiện đại, kiên trì truy vết tìm nguyên nhân, chắt chiu từng cơ hội để giúp họ không phải bước vào ngõ cụt, phải xin tinh trùng, xin trứng, mang thai hộ…”, bác sĩ Như chia sẻ.

Phát triển theo hướng kiềng 3 chân: hiếm muộn nam, hiếm muộn nữ và hệ thống phòng Labo hiện đại, IVFTA đã giúp rất nhiều ca khó có được con “chính chủ” sau nhiều lần thất bại ở trong nước và cả nước ngoài.

“Có những bệnh nhân chỉ có 1 noãn, những ca tinh hoàn ẩn, thoái hóa hyaline hay những ca có hiện tượng sinh tinh ở tinh hoàn chỉ còn rải rác vài đốm... đã tạo được phôi tốt và có thai trong lần đầu chuyển phôi”, bác sĩ Như nhấn mạnh.

Nhiều kỹ thuật mới mang hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn - Ảnh 1.

Người mẹ hiếm muộn lần đầu tiên ôm con sau chuỗi hành trình hàng chục năm đi khắp nơi điều trị. Ảnh: Quỳnh Châu.

Theo bác sĩ Giang Huỳnh Như, năm 2021, IVFTA TP Hồ Chí Minh đón khá nhiều bệnh nhân ở nhóm dự trữ buồng trứng thấp, suy buồng trứng, tử cung bất thường, rối loạn nội tiết, đã nhiều lần chọc trứng, tạo phôi, chuyển phôi thất bại... Lúc này, phải phối hợp cùng lúc nhiều phương pháp hỗ trợ tiên tiến, với phác đồ riêng biệt, điều trị hiệu quả nhưng lại tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh.

Phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ được thiết kế riêng cho từng trường hợp có dự trữ buồng trứng thấp với liều thuốc kích thích cực thấp. Kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM) tạo ra tế bào trứng trưởng thành, đủ điều kiện thực hiện thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt, phương pháp bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân mang lại hy vọng cho hơn 50% phụ nữ có nội mạc tử cung mỏng hoặc thất bại chuyển phôi nhiều lần, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân.

Tại IVFTA HCM, vi phẫu micro-TESE giúp 80% bệnh nhân vô tinh tìm thấy tinh trùng khỏe mạnh, tăng cơ hội làm cha chính chủ, hạn chế tối đa khả năng phải xin tinh trùng. Kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện nhằm giúp quá trình tạo phôi nhanh chóng, trúng đích, giảm thiểu sai sót ngay từ khâu đầu tiên của phôi thai.

Bằng kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại, các chuyên gia sẽ lựa chọn trứng và tinh trùng chất lượng tốt nhất để tạo thành phôi. Hệ thống phòng Lab ISO5 đạt chuẩn quốc tế với độ vô khuẩn cực cao, cho phép thực hiện các kỹ thuật phức tạp của quá trình chọn trứng, tinh trùng, tạo và nuôi cấy phôi, có vai trò quyết định đối với thành công của thụ tinh ống nghiệm.

Khác với các trung tâm hỗ trợ sinh sản khác, IVFTA HCM nuôi phôi trong các hệ thống máy hoàn toàn tự động, tích hợp công nghệ Time-lapse và phần mềm bản quyền ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Đây là hệ thống nuôi cấy phôi tiên tiến, tạo môi trường hoàn hảo như bên trong cơ thể người mẹ để phôi phát triển tối ưu. Đặc biệt, công nghệ Time-lapse với camera độ phân giải 2K giúp quan sát phôi 360 độ, liên tục, toàn thời gian mà không cần đưa ra bên ngoài, nhờ đó, phôi được phát triển ổn định từ 5 - 6 ngày, tăng chất lượng phôi, tăng cơ hội chuyển phôi thành công so với phương pháp nuôi phôi thủ công.

Nhiều kỹ thuật mới mang hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn - Ảnh 2.

Nhờ hệ thống nuôi cấy phôi ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, chuyên viên phôi học có thể quan sát quá trình phát triển của phôi trên máy mà không cần mang phôi ra ngoài. Ảnh: Quỳnh Châu.

Song song với việc tạo phôi chất lượng tốt, các kỹ thuật hiện đại như nội soi buồng tử cung chẩn đoán, keo dính phôi sinh học, xét nghiệm ERA test… giúp chuẩn bị môi trường tử cung lý tưởng, xác định chính xác thời gian phù hợp nhất để chuyển phôi, thúc đẩy quá trình làm tổ và mang thai thuận lợi.

Ngoài ra, các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử, di truyền học cao cấp như: Kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT), sinh thiết phôi, loại trừ các bệnh di truyền nguy hiểm như: down, tan máu bẩm sinh… giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn sinh ra những em bé khỏe mạnh, thông minh vượt trội để niềm hạnh phúc được trọn vẹn.

Một ưu thế vượt trội của IVFTA là sự liên kết chặt chẽ với các trung tâm, chuyên khoa trong cùng Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh như: Trung tâm Tế bào gốc, trung tâm Xét nghiệm, khoa Nam học, Trung tâm Sản Phụ khoa, đơn vị Sơ sinh và chuyên khoa Nhi, giúp người bệnh thực hiện đồng thời các quá trình điều trị nam học, sản phụ khoa, xét nghiệm cao cấp… Người bệnh còn được chăm sóc chu đáo, toàn diện về dinh dưỡng, tâm lý, điều trị các bệnh lý kết hợp nếu có, ngay trong cùng một bệnh viện với các chuyên gia giỏi và trang thiết bị hiện đại.

“Hành trình từ khi đang mong con, điều trị vô sinh hiếm muộn, cho đến lúc mang thai, trẻ sinh ra đời, chăm sóc mẹ và bé sau sinh, tạo những điều kiện tốt nhất để mẹ và bé được khỏe mạnh về nhà chính là quy trình khép kín toàn diện và là ưu điểm của Hệ thống IVF Tâm Anh”, bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết.

Nhiều kỹ thuật mới mang hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn - Ảnh 3.

ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.

80% cơ hội thành công ngay cả ở những ca khó

Dù tiếp nhận nhiều ca cực khó, nhưng năm 2021, tỷ lệ thành công của thụ tinh ống nghiệm tại IVFTA HCM vẫn lên đến 80% - mức kỷ lục trong lĩnh vực IVF tại Việt Nam.

Gia đình nhỏ của anh Hoàng Nam (29 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đón niềm vui đầu năm khi kết quả siêu âm cho thấy có một thai sống trong tử cung. Trước đó, kết quả beta 506 cho thấy, vợ anh Nam có thai sau 10 ngày chuyển phôi tại IVFTA- TP Hồ Chí Minh.

“Khoảng 2 tháng trước, tôi đến thăm khám ở một bệnh viện khác và được khuyên xin tinh trùng hiến tặng vì hết hy vọng. Nghe vậy, cánh cửa hy vọng vợ chồng tôi như đóng sập”, anh Nam nói.

Khi xem tinh dịch đồ của anh Nam, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Khoa - Trưởng đơn vị Nam học IVFTA-HCM phát hiện bệnh nhân không có tinh trùng. Ngoài ra, bệnh nhân gặp tình trạng teo tinh hoàn trên, tinh hoàn ẩn bẩm sinh từ nhỏ. Dù đã trải qua hai lần phẫu thuật để đưa tinh hoàn xuống nhưng xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Nam vẫn không có tinh trùng.

“Vi phẫu micro-TESE là cơ hội cuối cùng để tôi tìm thấy tinh trùng trong tinh hoàn, hiện thực hóa giấc mơ được làm cha cho người đàn ông vô tinh sau 2 năm điều trị vô sinh, hiếm muộn không có kết quả”, bác sĩ Khoa nói.

“Niềm tin nhen nhóm khi các bác sĩ khẳng định có hơn 70% nam giới như tôi đã thành công với kỹ thuật mới này”, anh Nam chia sẻ.

Kỹ thuật mới đã giúp bác sĩ Khoa và các cộng sự tìm thấy tinh trùng của người chồng, kết hợp trứng trưởng thành của vợ để tạo phôi và nuôi được 5 phôi ngày 5. Sau đó, vợ anh Nam trải qua quá trình đặt thuốc, chuyển một phôi ngày 5 duy nhất và đậu thai.

Nhiều kỹ thuật mới mang hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn - Ảnh 4.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đăng Khoa trong ca vi phẫu micro-TESE cho bệnh nhân Hoàng Nam, tháng 12/2021. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

“Tôi nhớ có một bệnh nhân 41 tuổi đến với IVFTA khi chị đã làm IVF 7 lần ở khắp nơi đều thất bại. Chỉ số dự trữ buồng trứng suy kiệt chỉ còn 1.1.

Tại IVFTA, sau khi khai thác bệnh sử của chị, bác sĩ Lê Hoàng - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội cùng các cộng sự đã lên phác đồ và tạo phôi. Bên cạnh đó, tiếp tục truy vết tìm nguyên nhân thất bại làm tổ nhiều lần.

Sau khi tạo được 3 phôi, bệnh nhân được tiến hành làm nội soi buồng tử cung chẩn đoán để tìm nguyên nhân. Khác với các trung tâm khác, phương pháp này được chúng tôi thực hiện ngay tại trung tâm, thời gian làm thủ thuật chỉ hơn 10 phút. Bệnh nhân cũng được bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân để chuẩn bị niêm mạc tử cung tốt nhất, sẵn sàng chuyển phôi.

Ở độ 41 tuổi và tạo được 3 phôi vô cùng quý, chúng tôi tiến hành làm sàng lọc phôi loại bỏ phôi bất thường và chuyển 1 phôi tốt nhất vào buồng tử cung, và thành công. Cuối tháng 9/2021, chị hạ sinh một em bé khỏe mạnh”, bác sĩ Giang Huỳnh Như chia sẻ.

Mỗi em bé ra đời khỏe mạnh là một câu chuyện thành công với nỗ lực không ngừng của chính cặp vợ chồng, các bác sĩ; là hạnh phúc của mỗi gia đình và là động lực để Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng điều trị, tạo nên những kỳ tích y học mới, mở ra cơ hội được làm cha, làm mẹ cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn mỗi năm, để mỗi dịp Tết đến, Xuân về sẽ có thêm thật nhiều gia đình nhỏ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong tiếng cười trẻ thơ.

Rút ngắn hành trình mong con nhờ vào thành tựu khoa học kỹ thuật

Từ ngày 14-20/2/2022, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức Tuần tư vấn vô sinh hiếm muộn: "Ươm mầm sống - những kỹ thuật mới cao cấp tăng tỷ lệ thành công". Độc giả có thể gửi câu hỏi để được các chuyên gia hàng đầu giải đáp thắc mắc trong điều trị hiếm muộn.

20h thứ Sáu, ngày 18/2/2022, ThS.BS Giang Huỳnh Như, BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, ThS.BS Lê Đăng Khoa và BS Ngô Đình Triệu Vỹ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc về bệnh lý và những kỹ thuật mới trong chương trình tư vấn trực tuyến về vô sinh hiếm muộn trên fanpage VnExpress. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục