Những bệnh về da thường gặp ở trẻ

Tuấn Bảo, icon
11:00 ngày 16/04/2020

VTV.vn - Da trẻ nhỏ chỉ dày bằng 1/5 so với người lớn. Làn da mỏng và nhạy cảm với sức đề kháng yếu khiến trẻ dễ bị xâm hại bởi các yếu tố bên ngoài gây nên bệnh da liễu.

Hình minh họa.

Dưới đây là một số bệnh da thường gặp ở trẻ em được các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương chỉ ra:

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm sữa là bệnh lí da liễu thường gặp ở trẻ em. Bệnh thường khởi phát lúc trẻ 2-3 tháng tuổi, đặc trưng bởi đám mụn nước trên nền da đỏ vùng 2 má, trán và cằm. Trẻ ngứa nên khó chịu, cào gãi, tổn thương chảy dịch nhiều, có nguy cơ bị bội nhiễm.

Do cơ địa nên chàm sữa rất khó chữa khỏi dứt điểm, thường tiến triển dai dẳng trong 2 năm đầu đời, 95% trẻ mắc chàm sữa ổn định sau 2 tuổi, 5% chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn.

Rôm sảy

Vào mùa hè nóng nực, trẻ hay mắc rôm sảy, một bệnh da đơn giản, tự khỏi khi trời mát, nhưng nếu không biết chăm sóc, chữa trị có thể có biến chứng nặng hơn như viêm nang lông.

Rôm sảy thường thành đám, mảng ở các vùng da tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán…, đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn. Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt, khó chịu, ngứa. Khi đó trẻ gãi làm da sây sát dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em (trên 90%).

Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3 - 6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát.

Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2 - 3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông.

Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh.

Chốc lở

Chốc thường gặp ở trẻ em. Bệnh hay gặp vào mùa hè, phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện sống thiếu vệ sinh, dân cư đông.

Chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Chốc không có bọng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo. Chốc bọng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Bọng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo.

Điều trị bệnh da liễu cần rất cẩn trọng, do đó khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh, cha mẹ hãy đưa cháu đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa da liễu gần nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục