Những biến chứng khó lường khi chậm trễ điều trị chấn thương niệu đạo

Tuấn Bảo, icon
10:39 ngày 10/08/2019

VTV.vn - Chấn thương niệu đạo trước là một cấp cứu ngoại khoa, hay gặp nhất là do tai nạn giao thông, ngã cao, ngã ngồi... gây tổn thương ở niệu đạo dương vật và niệu đạo hành.

Hình minh họa.

Vết thương niệu đạo có thể kèm với vết thương dương vật, tinh hoàn. Ít khi phối hợp với vết thương đường tiết niệu trên. Tuy nhiên, lại hay gặp với vết thương trực tràng, là nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm khuẩn và áp xe trong tiểu khung.

Ngoài do tại nạn lao động, sinh hoạt, vết thương niệu đạo còn có thể do súc vật cắn làm mất toàn bộ hay một phần dương vật. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường như bí đái, viêm tấy nước tiểu tầng sinh môn, áp xe vùng tầng sinh môn, hẹp niệu đạo.

PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: khi bị chấn thương niệu đạo trước, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng như: sau khi ngã trên một vật rắn bệnh nhân thấy đau chói ở vùng tầng sinh môn và thấy có máu chảy ra ở miệng sáo. Nếu bệnh nhân đến khám muộn, có thể có dấu hiệu nhiễm trùng đồng thời phải đối mặt với một số biến chứng hay gặp:

- Bí đái: Có thể do phản xạ, đau làm nạn nhân không dám tiểu tiện hoặc do đứt niệu đạo thực sự.

- Viêm tấy nước tiểu tầng sinh môn: Trong những ngày đầu, nếu không được điều trị kịp thời, nước tiểu chảy ra chỗ bị thương cùng với máu tụ gây viêm tấy nước tiểu ngày một phát triển. Bìu và tầng sinh môn căng mọng, toàn thân suy sụp nhanh chóng, nhiễm trùng, nhiễm độc. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

- Áp xe vùng tầng sinh môn: Xảy ra sau viêm tầng sinh môn, ổ viêm được khu trú lại thành ổ mủ, có khi vỡ ra ngoài da gây rò nước tiểu và xơ hẹp niệu đạo lan rộng.

- Hẹp niệu đạo: là hậu quả thường gặp sau đứt niệu đạo nếu không được điều trị kịp thời.

Khi bị chấn thương niệu đạo trước với trường hợp đứt niệu đạo không hoàn toàn, nếu bệnh nhân đái được, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp với theo dõi tình hình của người bệnh.

Với trường hợp đứt niệu đạo hoàn toàn, nếu chảy máu niệu đạo nhiều, tụ máu tầng sinh môn lớn, bệnh nhân cần được mổ cấp cứu - dẫn lưu bàng quang và mở tầng sinh môn lấy máu tụ, cầm máu vật xốp và nối niệu đạo ngay thì đầu. Nếu tụ máu tầng sinh môn ít và chảy máu niệu đạo không nhiều, bệnh nhân sẽ được dẫn lưu bàng quang và mổ giải quyết tổn thương niệu đạo trong tuần đầu sau tai nạn.

Trường hợp khi bệnh nhân đến muộn, đã có áp xe tầng sinh môn, hay viêm lan tấy nước tiểu, cần dẫn lưu bàng quang, rạch rộng vùng bìu và tầng sinh môn, dẫn lưu ổ nhiễm trùng bằng gạc tẩm betadin. Trong trường hợp bị tổn thương niệu đạo đã thành sẹo gây chít hẹp, cần phẫu thuật cắt bỏ mô sẹo và lập lại lưu thông niệu đạo. Đối với trường hợp sẹo nhỏ và ngắn, có thể điều trị bằng cắt bên trong niệu đạo bằng nội soi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục