Những lưu ý chăm sóc trẻ bị chàm và ra nhiều mồ hôi

SK, icon
08:19 ngày 10/09/2013

Ra nhiều mồ hôi trộm là biểu hiện sức khỏe thường gặp ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu để tình trạng ra mồ hôi kéo dài, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và giấc ngủ của trẻ.

Bác sĩ, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương đã có cuộc trao đổi và tư vấn với các bậc phụ huynh có con nhỏ về tình trạng ra nhiều mồ hôi và hiện tượng chàm ở trẻ nhỏ, trong chuyên mục cuộc sống thường ngày.

‘ Cha mẹ cần đảm bảo môi trường xung quanh trẻ được thoáng khí và sạch sẽ, giúp trẻ bớt ra mồ hôi trộm.

Phụ huynh: Con tôi có hiện tượng ra nhiều mồ hôi, vậy có những lưu ý nào khi chăm sóc cháu hay không?

Tiến sĩ Trần Minh Điển: Khi trẻ hay ra nhiều mồ hôi, thường có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở những trẻ sau 1 – 5 tháng tuổi, rất hay vã mồ hôi, kèm theo các dấu hiệu như rụng tóc hình vành khăn, gắt gỏng lúc ngủ, quấy khóc… có thể là triệu chứng của còi xương cấp liên quan đến chứng thiếu vitamin D. Trong trường hợp này, các bà mẹ nên tích cực cho con bú, tắm nắng trực tiếp dưới ánh nắng Mặt Trời, bổ sung vitamin D, canxi để trẻ có thể giảm bớt các dấu hiệu của tình trạng ra nhiều mồ hôi.

Với những nhóm các trẻ bú mẹ hoặc trẻ 3 – 4 tuổi ra nhiều mồ hôi, cần để ý xem môi trường của trẻ có quá bí hay không, có thoáng khí nhiều hay không, do nếu không khí không được lưu thông và đảm bảo tốt sẽ khiến các cháu rất dễ ra mồ hôi. Khi trẻ ngủ đêm, ra nhiều mồ hôi cũng cần chú ý bố trí môi trường thoáng khí và sạch cho các cháu. Nếu trẻ vã mồ hôi kèm theo các dấu hiệu khác, thấy trẻ yếu hơn so với các giai đoạn trước đó, cha mẹ cần đưa con tới khám bác sĩ nhi khoa để có thể có những tư vấn kịp thời về tình trạng bệnh lý vã mồ hôi này.

Phụ huynh: Có nhiều trẻ thường có vảy cứng trên đầu, dân gian thường gọi là cứt trâu, tuy nhiên thực tế nó là bệnh gì và cách chữa trị như thế nào?

Tiến sĩ Trần Minh Điển: Đây là triệu chứng của bệnh chàm, chàm xuất hiện đầu tiên là các mụn nước, sau đó mụn nước bong vỡ tạo ra các dịch viêm ở ngoài da, tạo thành vẩy đông khô trên đầu các cháu.

Khi trên đầu trẻ xuất hiện những vẩy như vậy, trước khi tắm 15 – 20 phút, các bậc cha mẹ có thể bôi lên đầu trẻ dầu tạo mềm vẩy cứng. Khi tắm không nên xoa quá mạnh và làm bong vẩy nhiều, nên làm bong dần dần các vẩy trên đầu trẻ. Nếu làm bong nhiều lớp vẩy ngay một lúc, lớp dịch gỉ viêm mới lại sẽ tiếp tục tạo thêm vẩy.

Ngoài ra, với những trẻ bị chàm, cơ địa trẻ thường tăng tiết dầu, nên sẽ phải vệ sinh nhiều hơn bình thường, không được mặc kín quá cho con đặc biệt là khu vực đầu, khi đội mũ cho trẻ không nên đội kín quá để giảm bớt lượng mồ hôi dầu và các vấn đề về dị ứng khác kèm theo.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video tư vấn của bác sĩ, Tiến sĩ Trần Minh Điển

Cùng chuyên mục