Những phản ứng bất lợi nào có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo?

Tuấn Bảo, icon
08:33 ngày 03/08/2019

VTV.vn - Quá trình lọc máu hay chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dụng một thiết bị y tế để thay thế/hỗ trợ chức năng thận.

Hình minh họa.

Một phương pháp phổ biến trong chạy thận nhân tạosử dụng máy lọc máu nhân tạo. Khi đó, máu của người bệnh được truyền qua một máy có bộ lọc tương tự như bộ lọc của thận. Sau khi lọc, máu sẽ quay trở lại cơ thể người bệnh. Quá trình này được thực hiện tại các trung tâm y tế có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện chuyên môn kỹ thuật. Thông thường, bạn sẽ nhận điều trị khoảng 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 3 - 4 tiếng đồng hồ (tùy vào trọng lượng cơ thể).

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Khoa Lọc máu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trong quá trình chạy thận nhân tạo, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng. Những biến chứng thường gặp nhất theo thứ tự tần suất là tụt huyết áp (20 - 30%), chuột rút (5 - 20%), buồn nôn và nôn (5 - 15%), nhức đầu (5%), đau ngực (2 - 5%), ngứa (5%) và sốt ớn lạnh (dưới 1%).

Tụt huyết áp

Tụt huyết áp liên quan đến giảm quá mức hoặc nhanh chóng thể tích máu như tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, thời gian chạy thận ngắn, trọng lượng khô thấp hơn trọng lượng khô thực tế, tính số ký rút không chính xác hoặc nhầm. Tụt huyết áp trong chạy thận bắt nguồn chủ yếu từ giảm thể tích máu do rút dịch (siêu lọc) mà đáp ứng huyết động bù trừ không đủ.

Chuột rút

Nguyên nhân của chuột rút trong chạy thận nhân tạo hiện chưa rõ. Bốn yếu tố thuận lợi quan trọng nhất là tụt huyết áp, giảm thể tích (bệnh nhân thấp hơn trọng lượng khô), tốc độ siêu lọc cao (tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận) và dùng dịch lọc có nồng độ natri thấp. Tất cả các yếu tố này tạo thuận lợi cho co mạch, gây giảm tưới máu cơ làm rối loạn thư dãn cơ. Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Chuột rút cũng thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau. Hạ magiê máu cũng có thể gây chuột rút kháng trị trong lúc chạy thận. Hạ can xi máu cũng nên được xem như là một nguyên nhân tiềm tàng. Hạ kali máu trước chạy thận sẽ nặng thêm bởi nồng độ kali dịch lọc thường dùng (2 mM) và cũng có thể gây chuột rút.

Khi tụt huyết áp và chuột rút xảy ra đồng thời, cả hai có thể đáp ứng với truyền NaCl 0.9%. Tuy nhiên, chuột rút thường kéo dài dai dẳng. Kéo căng cơ bị chuột rút (chẳng hạn gấp cổ chân đối với chuột rút bắp chân) có thể làm giảm khó chịu. Xoa bóp có tác dụng tùy bệnh nhân và nên được áp dụng tùy trường hợp.

Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường qui. Có nhiều nguyên nhân. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp. Buồn nôn và nôn có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng. Phản ứng màng lọc có thể gây buồn nôn và nôn. Liệt nhẹ dạ dày, rất thường gặp ở bệnh nhân đái đường, nhưng cũng gặp ở bệnh nhân không đái đường, sẽ nặng lên do chạy thận. Dịch lọc nhiễm bẩn hoặc có nồng độ các chất không đúng (natri, canxi cao) có thể gây buồn nôn và nôn. Bệnh nhân chạy thận dường như bị buồn nôn và nôn dễ hơn những bệnh nhân khác (nhiễm trùng hô hấp, dùng thuốc gây nghiện, tăng canxi máu); chạy thận có thể làm nặng triệu chứng trong các bệnh lý này.

Để xử trí, bước đầu tiên là điều trị tụt huyết áp nếu có. Thuốc chống ói có thể được dùng cho những nguyên nhân ói khác nếu cần. Tránh tụt huyết áp trong lúc chạy thận có tầm quan trọng hơn hết. Triệu chứng dai dẳng không liên quan đến huyết động có thể giảm khi dùng các thuốc chống ói (metoclopramide).

Nhức đầu

Nhức đầu thường gặp trong lúc chạy thận; nguyên nhân thường chưa rõ, có thể là triệu chứng kín đáo của hội chứng mất cân bằng. Ở bệnh nhân có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng của ngưng cà phê vì nồng độ cà phê giảm cấp tính trong lúc chạy thận. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, nên xem xét nguyên nhân thần kinh (đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông).

- Xử trí: Có thể dùng acetaminophen trong chạy thận.

Đau ngực và đau lưng

Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực (thường ít nhiều có đau lưng kèm theo) xảy ra trong 1-4% bệnh nhân chạy thận. Nguyên nhân không rõ, không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu. Xảy ra đau thắt ngực trong chạy thận là thường gặp, và phải được chẩn đoán phân biệt với nhiều nguyên nhân đau ngực khác (ví dụ: tán huyết, thuyên tắc khí, viêm màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim).

Ngứa

Ngứa là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân chạy thận, đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận, tuy nhiên, thường gặp là ngứa mãn tính. Không nên bỏ qua viêm gan siêu vi (hoặc do thuốc) như là nguyên nhân tiềm tàng của ngứa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục