Những tai nạn đáng tiếc khi tiêm filler, khâu nhấn mí mắt

Tuấn Bảo, icon
08:11 ngày 10/03/2019

VTV.vn - Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày một cao thế nhưng, việc lựa chọn sai cơ sở để thực hiện can thiệp khiến nhiều chị em phải gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Hình minh họa.

Mù mắt vì tiêm filler

Theo chia sẻ của bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu khẩn cho bệnh nhân N.T.L 25 tuổi bị mù mắt phải sau tiêm filler tại một spa tư nhân.

Bệnh nhân cho biết: 3 ngày trước có tiến hành tiêm filler để làm đẹp vùng sống mũi và quanh mắt. Một mũi tiêm làm mắt phải mờ tịt, đau chói. Do ở xa trung tâm nhãn khoa nên phải sau 3 ngày bệnh nhân mới đến khám.

Khi đến khám tại bệnh viện, mắt phải xẹp, đầy máu và chất tiêm trong nội nhãn, xẹp tiền phòng. Xung quanh mắt là hốc mắt sưng nề, tụ máu do các mũi tiêm khác. Nhiều khả năng một mũi tiêm đã tấn công xiên thủng nhãn cầu, gây mất chức năng và chảy máu trong mắt, mắt bị mất chất dịch bên trong qua lỗ thủng nên mềm.

Theo các chuyên gia, chất filler có thể vào dòng tuần hoàn động mạch có thể do chất tiêm đã vào tĩnh mạch, qua tuần hoàn tim phải rồi vào động mạch giống như bọt khí hay bột tal, keo can thiệp mạch… đã gây tai biến cho mắt, não. Động mạch mặt, động mạch góc ở một vào trường hợp đặc biệt có gốc từ động mạch cảnh trong nên nếu tiêm trúng mạch này ở vùng sống mũi, thái dương hay rãnh mũi má có thể làm chất tiêm đi ngược vào động mạch cảnh, sau đó gây tắc cho động mạch mắt (nhánh tận của động mạch mắt) và gây mù không thể cứu vãn. Hay các dị thường mạch máu cũng có thể là nguyên nhân khuếch tán chất tiêm vào động mạch mắt.

Những tai nạn đáng tiếc khi tiêm filler, khâu nhấn mí mắt - Ảnh 1.

Kim nhấn mí trong mắt bệnh nhân.

Biến chứng khó lường khi khâu nhấn mí

Trường hợp bệnh nhân nữ 28 tuổi, vào viện vì mắt phải nhìn mờ đau nhức. Trước đó 6 tháng, bệnh nhân đã được phẫu thuật nhấn mí.

Khám mắt với kính hiển vi, lật mi bằng dụng cụ chuyên dụng các bác sĩ thấy: bệnh nhân có loét trợt giác mạc rộng, lộ chỉ khâu nhấn mí cũ. Nguyên nhân khiến bệnh nhi bị đau mờ mắt là do kỹ thuật không nhấn mí không chuẩn đã làm lộ chỉ ở kết mạc mi trên, đầu chỉ cọ sát liên tục lên lòng đen (giác mạc) gây loét trợt một vùng rộng. Vi khuẩn cũng tranh thủ tấn công cả cho mi, kết mạc và giác mạc.

Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lấy chỉ khâu lộ, kháng sinh, chống viêm, tăng cường dinh dưỡng giác mạc.

Trường hợp thứ 2 cũng là một tín đồ của phẫu thuật nhấn mí, bệnh nhân đã được mổ hai lần và vẫn chưa thể hài lòng vì mắt kích thích sưng nề, ra gỉ nhiều. Mắt phải có nhiều ổ viêm trên kết mạc ứng với những mũi chỉ khâu nhấn mí bị lộ. Giác mạc loét trợt rộng khiến bệnh nhân nhìn mờ và chói cộm trường diễn.

Các bác sĩ Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt Trung ương phải nhặt bỏ tất cả đám chỉ khâu mủn và nhiễm khuẩn cũ, tạo lại nếp mí cho bệnh nhân qua đường mổ kinh điển bằng chỉ không tiêu.

Hay như trường hợp bệnh nhân nữ 24 tuổi vào Khoa Chấn thương của bệnh viện khi đang tạo hình mí ở cơ sở làm đẹp thì bị mất kim.

Qua hình ảnh chụp X-quang thấy lờ mờ cây kim dài khoảng 5mm, đường kính khoảng 0,2 mm to bằng chiếc lông mi nằm ở 1/3 trên ngoài hốc mắt, song song với cùng đồ kết mạc. Các bác sĩ phải dùng chỉ mi và vành mi đơn để nhìn rõ toàn bộ cùng đồ kết mạc lấy kim ra, khâu lại vết mổ.

Qua đây, bác sĩ Hoàng Cương lưu ý các chị em khi quyết định can thiệp làm đẹp:

- Kỹ thuật viên, phẫu thuật viên phải là người được đào tạo, có chứng chỉ, văn bằng hợp pháp.

- Cơ sở có uy tín, có thẩm quyền.

- Chọn nhà cung cấp uy tín, chọn vị trí tiêm chuẩn.

- Vô cảm tốt, đừng để bệnh nhân giãy giụa, ưu tiên bảo vệ nhãn cầu. Có dụng cụ chuyên dụng để lật mi, phòng khi đường khâu đi quá sâu.

- Khi có tai biến thì nên dừng phẫu thuật đúng lúc, chuyển cơ sở tuyến cao hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục