Nội soi lấy nang mật chủ bằng nắm tay cho hai bé chưa đầy 2 tháng tuổi

Linh Chi, icon
06:38 ngày 13/06/2020

VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa tiếp nhận điều trị nang ống mật chủ cho hai bệnh nhi mới chỉ 50 và 57 ngày tuổi.

Hai bé phải nhập viện vì vàng da kéo dài sau sinh và người nhà sờ thấy khối ở vùng bụng của bé.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán: các bé bị nang ống mật chủ với kích thước nang rất lớn, lần lượt là 5x3cm và 6x5cm. Cả 2 bé đều được phẫu thuật nội soi cắt nang ống mật chủ và nối mật ruột thành công.

Khi nội soi vào ổ bụng, phẫu thuật viên quan sát được ở cả 2 trường hợp nang ống mật chủ rất to. Trong qua trình mổ cắt nang, trong nang có nhiều cặn bùn làm bít tắc đường mật, gây ra tình trạng vàng da niêm của bé.

Hiện tại, sau phẫu thuật, 1 bé đã xuất viện, không còn vàng da, 1 bé đang nằm theo dõi hậu phẫu tại khoa, đã bú sữa lại. Đây là 2 trong nhiều trường hợp nang ống mật chủ kích thước lớn được phẫu thuật nội soi thành công tại bệnh viện, đặc biệt hơn, đây là 2 ca có độ tuổi nhỏ nhất từng được phẫu thuật nội soi.

Theo các bác sĩ, phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ kích thước lớn ở trẻ nhỏ thường gặp khó khăn do kích thước ổ bụng của các bé rất nhỏ, không gian thao tác hẹp, việc phẫu thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận cũng như kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Nang ống mật chủ là tình trạng dãn bẩm sinh dạng cầu hay dạng thoi của đường mật trong và ngoài gan, mà không có sự tắc nghẽn nguyên phát của ống mật chủ.

Mặc dù trẻ sinh ra có nang ống mật chủ bẩm sinh nhưng các triệu chứng có thể không xuất hiện ngay mà phải tới vài năm sau đó. Một số trường hợp, tình trạng này được phát hiện khi trẻ đang nằm trong bụng mẹ hoặc phải đến khi trẻ đi siêu âm bụng vì một lý do khác như đau bụng thì mới phát hiện trẻ có nang ống mật chủ.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể có các triệu chứng như vàng da, có khối ở bụng, viêm tụy hoặc viêm đường mật. Hầu hết các nang ống mật chủ đều được phát hiện trong thời thơ ấu. Các triệu chứng khác bao gồm:

- Do bị tắc nghẽn ống dẫn mật nên dẫn tới trẻ bị vàng da kéo dài (hơn hai tuần) ở trẻ sơ sinh hoặc vàng da không liên tục ở trẻ lớn hơn hoặc trẻ nhỏ. Thông thường, vàng da thường đi cùng với phân nhạt màu và nước tiểu sẫm màu.

- Đau bụng không liên tục.

- Viêm đường mật gây gây sốt, vàng da và đôi khi trẻ bị run rẩy.

- Viêm phúc mạc nếu u nang vỡ hoặc rò rỉ.

- Có cục hoặc sưng ở bụng, viêm tụy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục