Phát hiện và can thiệp sớm rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Kim Oanh, Đình Thi (Sở Y tế Đắk Lắk), icon
06:00 ngày 14/05/2022

VTV.vn - Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là triệu chứng trẻ khó tiếp nhận và bày tỏ suy nghĩ thông qua lời nói. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại.

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bình quân mỗi tháng tiếp nhận và can thiệp cho khoảng 25 - 30 trường hợp có chứng rối loạn ngôn ngữ. Qua khai thác thông tin từ người nhà, những trẻ đến đây đều có yếu tố trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng quá sớm khiến trẻ thụ động trong việc giao tiếp ngôn ngữ giữa người với người.

Anh Nguyễn Quốc Toản (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đưa con gái 3 tuổi đi khám vì thấy con chậm nói so với các bạn cùng tuổi. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, thấy con mình có triệu chứng của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ so với tuổi của trẻ. Lo lắng, sợ con mình bị chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ nên gia đình đã đưa vào viện khám.

BSCKI. Nguyễn Nay Ngân, Khoa Nhi tổng hợp cho biết: Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em được chia thành hai loại gồm rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ hoặc rối loạn về phát âm. Đối với trẻ bị rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ, sẽ có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Những trẻ rối loạn về vấn đề phát âm sẽ khó bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi.

Các rối loạn ngôn ngữ khác như trẻ thường nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn… Nguyên nhân của những triệu chứng này thông thường do trẻ gặp một số vấn đề trong quá trình phát triển như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, nhiễm trùng viêm tai mạn tính hay rối loạn về thể chất và tinh thần.

Một nguyên nhân đáng báo động hiện nay đó là do gia đình thiếu sự quan tâm, ít trò chuyện với trẻ. Mặt khác, nhiều gia đình chủ quan, đến khi phát hiện trẻ mắc bệnh thì tình trạng đã trở nên nghiêm trọng.

Theo tổ chức Y tế thế giới, rối loạn ngôn ngữ là khuyết tật phổ biến nhất ở thời thơ ấu, xảy ra khoảng 5 đến 10% ở trẻ em. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có nhiều nguy cơ gặp khó khăn với ngôn ngữ đọc và viết khi đi học. Việc can thiệp sớm có thể giúp trẻ giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng trong việc học tập và phát triển sau này.

BSCKI. Nguyễn Nay Ngân cho biết thêm: Nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà cha mẹ không khuyến khích giao tiếp, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu mình, thụ động, thiếu tự tin, kém hòa nhập. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, muốn tránh hoặc hạn chế tối đa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em thì biện pháp quan trọng hàng đầu là các bậc phụ huynh và người thân trong gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.

Bên cạnh đó, tăng cường cho trẻ giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn cho trẻ làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của trẻ. Cho trẻ tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn lời nói, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng...

Rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và khả năng học tập của trẻ. Gia đình cần quan tâm và phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ để có những can thiệp sớm, giúp trẻ khắc phục và phát triển, dễ dàng tiếp thu kiến thức trong học tập và trở nên mạnh dạn hơn trong các giao tiếp xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục