Phát hiện và điều trị sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mùa lạnh

Minh Đức, icon
10:00 ngày 10/12/2018

VTV.vn - Các biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường rõ rệt hơn vào mùa lạnh nên mọi người thường chủ quan, không đến khám tại các cơ sở y tế.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo tổ chức Y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn có thể được phòng ngừa và điều trị kịp thời nếu phát hiện sớm.

Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây tàn phế và có tỉ lệ tử vong cao. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Các biểu hiện của bệnh trở nên rõ rệt hơn vào mùa lạnh nên mọi người thường chủ quan, không đến khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ khuyến cáo, nếu có những dấu hiệu nguy hiểm như: nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái; nhịp tim nhanh hay không đều; thở gấp và khó… cần đến cơ sở y tế ngay.

Bên cạnh đó bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây gánh nặng to lớn cho kinh tế từ chi phí điều trị trực tiếp như: tiền thuốc, xét nghiệm và các chi phí gián tiếp như: phải nghỉ việc do giảm năng suất lao động, bỏ học, bỏ việc giữa chừng để dành thời gian điều trị.

Tuy không thể chữa khỏi hẳn, nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính này ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng gây khó thở. Bệnh có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau đây: ho kéo dài; ho có đờm, đờm có thể màu trắng, màu vàng xám hoặc màu xanh lá cây. Đôi khi, nó có thể đi kèm vệt máu; bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại; khó thở, đặc biệt là khi gắng sức và cảm giác thắt chặt ở ngực… Lúc đầu, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các triệu chứng bắt đầu từ từ bệnh sẽ phát triển trong nhiều năm.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuốc lá, bên cạnh các tác nhân khác như: ô nhiễm không khí, môi trường làm việc ô nhiễm, hóa chất độc hại, khói bếp... Người hút thuốc có nguy cơ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh COPD. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì COPD có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: trầm cảm, loãng xương, viêm phổi, suy tim phải, suy hô hấp và dẫn tới tử vong.

Để phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, theo PGS.TS Vũ Văn Giáp người bệnh cần xây dựng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, luyện tập phù hợp, tham gia vào các hoạt động xã hội… Bên cạnh đó, nên duy trì một môi trường sống trong lành, giữ không khí trong nhà sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí khó thở. Đặc biệt tập thể dục như: đi bộ, các bài tập hít thở, vận động cẳng tay, cẳng chân để lưu thông máu. Bên cạnh đó, xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giàu vitamin nhất là vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể đó cũng là những yếu tố hạn chế sự phát triển của bệnh rất hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục