Phát hiện và xử lý hạ đường huyết

Lê Thạch, icon
09:22 ngày 26/07/2018

VTV.vn - Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp.

Ảnh minh họa: Everydayhealth

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chứng hạ đường huyết thường không phổ biến ở người lớn và trẻ em trên 10 tuổi. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường đang được điều trị bằng cách bổ sung insulin hay tự ý uống thuốc đặc trị tiểu đường không theo chỉ định của bác sĩ. Chứng hạ đường huyết có thể là tác dụng phụ trong quá trình điều trị các bệnh khác, do thiếu hormone hoặc có khối u trong cơ thể...

Ở người bị tiểu đường, trong cơ chế thiếu lượng glucagon do tác dụng ức chế của thuốc. Vì vậy dù bị tiểu đường nghĩa là đường huyết cao, người bệnh vẫn có thể hạ đường huyết do glucose trong máu bị ức chế quá mức.

Hạ đường huyết là một trong những tình huống cấp cứu của cơ thể diễn biến nhanh chóng dẫn đến hôn mê và gây tử vong cho người bệnh.

Nguyên nhân chính gây hạ đường huyết

- Do sai sót, quá liều hoặc thời gian tiêm không phù hợp đối với người bệnh dùng insulin.

- Đối với người bệnh dùng thuốc viên có thể do uống quá liều, uống xa bữa ăn chính, không ăn nhưng vẫn uống thuốc hoặc tự động uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

- Đối với người không bị bệnh đái tháo đường vẫn có dấu hiệu hạ đường huyết, người bệnh bị suy gan nặng, nhịn ăn kéo dài sau phẫu thuật tiêu hóa, suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp, u tụy nội tiết,…

Một số nguyên nhân khác do ăn uống không đảm bảo cho hoạt động hằng ngày, vận động quá mức và uống nhiều bia rượu.

Các dấu hiệu của hạ đường huyết và biện pháp xử trí

Hạ đường huyết ở mức độ nhẹ biểu hiện với các triệu chứng vã mồ hôi, run chân tay, đói, mệt lả, hoa mắt, nhức đầu. Các dấu hiệu có thể xuất hiện khi đường máu của người bệnh từ 3,3 – 3,6 mmol/L.

Người bệnh nên uống ngay 10-15g đường, có thể thay bằng kẹo hoặc nước trái cây ngọt sau đó nghỉ ngơi.

Lưu ý không nên dùng socola hoặc kem để làm tăng đường huyết vì chất béo trong các thực phẩm này làm giảm khả năng hấp thụ đường của cơ thể.

Khi tình trạng hạ đường huyết đã đỡ dần, người bệnh vẫn cần ăn ngay bữa chính để ngăn ngừa cơn hạ đường huyết tiếp theo.

Ở mức độ trung bình đến nặng, hạ đường huyết biểu hiện với các triệu chứng thay đổi hành vi, dễ bị kích thích, giảm khả năng chú ý. Khi đường máu của người bệnh giảm xuống dưới 2,8 mmol/L có thể dẫn đến co giật, mất cảm giác thậm chí hôn mê.

Người bệnh cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế và bác sĩ trong trường hợp hạ đường huyết ở mức độ vừa và nặng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục