Phòng chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Văn Thành, icon
01:44 ngày 14/02/2021

VTV.vn - Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Bên cạnh các sản phẩm xuất xứ rõ ràng thì không ít hàng hóa kém chất lượng trà trộn.

Hình minh họa.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra do ăn, uống thực phẩm có chứa chất độc. Nguyên nhân do thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc...); nhiễm các chất hóa học (kim loại nặng, lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia...); bản thân thực phẩm có chứa chất độc (cá nóc, gan cóc, nấm độc…).

Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm có dịp trà trộn vào hàng có chất lượng, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Theo chia sẻ của bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài phút, vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày sau khi ăn. Nhưng hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm bao gồm: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... tần suất và mức độ các triệu chứng cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp nặng người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, hôn mê…

Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể phòng tránh được khi người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

Chọn thực phẩm tươi sạch

Nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng. Đối với thực phẩm đóng gói sẵn, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Không chọn các hộp, lon thức ăn có vỏ bị phồng, lõm hoặc chai, lọ bị nứt, nắp lỏng hoặc phồng. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Cần chú ý tới hạn sử dụng của sản phẩm, không sử dụng sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản,… thì nên mua ở những nơi có uy tín; với thịt phải qua kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi; cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Khi mua thực phẩm về phải chế biến ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh để đảm bảo sự tươi ngon cũng như lượng vitamin và khoáng chất trong thực phẩm. Các thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh cần được bọc kín và để riêng thức ăn sống và chín để tránh sự nhiễm khuẩn. Nếu để ở nhiệt độ thường quá lâu (nhiều hơn 1 - 2 giờ), thực phẩm sẽ dễ bị ôi thiu và phân hủy, từ đó dễ sinh ra các loại độc tố gây ngộ độc.

Thức ăn đã nấu chín phải đậy kỹ tránh ruồi, côn trùng xâm nhập. Đun lại thức ăn để nguội ngay trước khi ăn là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản. Không nên ăn những thức ăn để lâu ngày bị mốc, hay các loại củ bị mọc mầm.

Ăn chín, uống sôi

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn thức ăn sống như gỏi cá, tiết canh… Đối với các thức ăn như rau sống cần phải rửa thật kỹ trước khi ăn.

Rửa tay và vệ sinh vật dụng ăn uống thường xuyên

Thói quen tốt này có khả năng ngăn ngừa sự lây lan các vi khuẩn có hại qua đường ăn uống. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Những vật dụng trong chế biến và ăn uống như bát, đũa, dao, thớt... nên được rửa sạch ngay sau khi sử dụng với nước rửa bát và nước sạch, để loại trừ những loại vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt.

Không dùng dao, thớt vừa cắt thịt sống chưa được rửa sạch để cắt thức ăn chín vì đó sẽ là nguồn lây nhiễm vi khuẩn lớn. Thường xuyên lau chùi, giữ vệ sinh khu vực ăn uống và chế biến thực phẩm.

Khi có xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục