Phòng cúm mùa ở trẻ em

Tuấn Bảo, icon
09:22 ngày 19/02/2019

VTV.vn - Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho.

Hình minh họa.

Biểu hiện của bệnh

Theo chia sẻ của TS.BS Nguyễn Trọng Nơi - Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cúm mùa có thời gian ủ bệnh khá ngắn, chỉ khoảng từ 2 - 3 ngày; đồng thời để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ trong thời gian rất dài và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt trong điều kiện thuận lợi, bệnh hoàn toàn có thể bùng phát thành dịch và lây lan một cách nhanh chóng.

Bệnh cảm cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn, với những triệu chứng: sốt cao, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có nguy cơ cao, như: bệnh lý mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy gan, suy thận, tiểu đường…), người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Sự cần thiết phải tiêm vaccine cúm cho trẻ

Trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học là nhóm đối tượng rất quan trọng trong lây truyền bệnh cúm: tỷ lệ lây nhiễm trong gia đình lên đến 30%. Bệnh viêm phổi do virus đứng hàng đầu ở trẻ em, trong đó virus cúm là thủ phạm gây các biến chứng như: viêm tiểu phế quản, viêm khí phế quản, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen sẵn có, viêm tai giữa, rối loạn tiêu hóa, co giật do sốt, viêm não… trong đó tăng thêm 30% tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ trong suốt mùa cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm phòng vaccine đã chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm, giảm 70 - 80% tử vong do cúm; ngay cả ở người khỏe mạnh, việc tiêm ngừa cúm làm giảm 70 - 90% nguy cơ mắc bệnh cúm.

Hiệu quả ngừa cúm càng cao khi chủng cúm lưu hành càng giống như thành phần của vaccine. Cũng như các vaccine khác, vaccine cúm cũng không thể đạt hiệu quả bảo vệ 100%. Vaccine cúm chỉ bảo vệ đến 90% những người khỏe mạnh khi chủng virus lưu hành giống như của vaccine. Do vậy, sau khi tiêm vaccine ngừa cúm thì khả năng bị nhiễm cúm vẫn xảy ra với tỷ lệ khoảng 10%. Điều quan trọng là ở những người đã tiêm ngừa rồi thì triệu chứng bệnh cúm nếu có sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với người không tiêm ngừa, đó là do có hiện tượng bảo vệ chéo giữa các virus bị biến thể trong cùng một chủng.

Phòng bệnh

Các biện pháp phòng bệnh chung: đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, tăng cường rửa tay, tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

Phòng lây nhiễm từ người bệnh: cách ly người bệnh ở buồng riêng, người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị, thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh.

Phòng cho nhân viên y tế: rửa tay trước và sau khi thăm khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; sử dụng phương tiện phòng hộ (gồm: khẩu trang, găng tay, mũ, bao giầy hoặc ủng, mặt nạ che mặt) đúng cách; nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.

Dự phòng bằng thuốc: có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm, trong thời gian 10 ngày.

Tiêm phòng vaccine cúm: nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, nhất là nhóm người có nguy cơ cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục