Phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi

Mai Chi, icon
08:53 ngày 29/06/2024

VTV.vn - Mùa hè là thời điểm lý tưởng để trẻ đi bơi rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, bơi lội cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm tai giữa ở trẻ.

ThS BS Nguyễn Thanh Tuấn thăm khám cho trẻ bị viêm tai giữa. Ảnh: CDC Đồng Nai

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, phụ huynh cần trang bị các kiến thức liên quan đến phòng ngừa viêm tai giữa cho trẻ khi đi bơi.

Bơi lội - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ

Bơi lội mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với trẻ, như: Tăng chiều cao, phát triển cơ thể toàn diện; tăng cường kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước; giúp trẻ thư giãn, xả tress; giải nhiệt chống nóng trong mùa hè. Tuy nhiên, nguy cơ trẻ bị viêm tai giữa khi đi bơi rất cao nếu không được trang bị các kiến thức phòng ngừa an toàn.

ThS.BS Nguyễn Thanh Tuấn - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark chia sẻ: "Viêm tai giữa là bệnh gặp cả ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, trẻ nhỏ do vòi nhĩ chưa phát triển đầy đủ cấu trúc, chức năng và hệ thống miễn dịch còn yếu nên khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh như: viêm amidan, viêm V.A, tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang, dị ứng, tắc nghẽn vùng hầu họng kém. Do đó, trẻ dễ bị viêm tai giữa hơn".

Khi đi bơi, nhất là ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo các vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng đôi khi nước đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến viêm. Đặc biệt, những người đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai rất dễ đọng nước bên trong, nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Biểu hiện và cách xử trí khi trẻ bị viêm tai giữa

Khi bị viêm tai giữa, trẻ thường có các triệu chứng: sốt (thường là sốt cao 39 - 40 độ C), quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, co giật, lên cơn đau. Ngoài các triệu chứng đặc hiệu ở tai, trẻ có thể xuất hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, viêm tai giữa nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Ở trẻ nhỏ, tình trạng nhiễm trùng có thể đi từ xoang mũi theo vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Vì vậy, nếu không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính, cùng với nguy cơ biến chứng có thể bị điếc, thậm chí tử vong bởi biến chứng viêm não, viêm màng não…

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện có những triệu chứng của viêm tai giữa, người bệnh cần được thăm khám sớm tại các chuyên khoa tai mũi họng và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Viêm tai giữa có thể tái diễn nhiều lần nếu không được điều trị đúng phác đồ, quy trình. Vì vậy, cần điều trị một cách triệt để. Nếu cần điều trị kháng sinh, người bệnh phải uống đủ liều lượng, đủ thời gian. Không tự ý nhỏ các dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, không dùng các dụng cụ ngoáy sâu bên trong tai gây trầy xước khiến tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.

Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, để phòng ngừa viêm tai giữa, cha mẹ nên lựa chọn hồ bơi đảm bảo vệ sinh, nguồn nước luôn được khử trùng sạch sẽ, không chứa hàm lượng hóa chất có hại cho hệ hô hấp vượt mức cho phép; không nên cho trẻ bơi ở sông hồ tù đọng, nơi có nguồn nước bị ô nhiễm.

Hướng dẫn trẻ trong khi bơi tránh để sặc nước, hạn chế để nước lọt vào tai, mũi, họng. Nếu vô tình để nước vào mũi, dùng tay bịt một lỗ mũi và xì nhẹ lỗ mũi kia và ngược lại. Không nên bịt cả hai lỗ cùng một lúc khi xì mũi để tránh làm nguồn viêm nhiễm từ mũi họng qua vòi nhĩ vào tai, gây viêm tai giữa. Sau khi trẻ bơi xong, cha mẹ tắm lại cho trẻ bằng nước sạch.

Cha mẹ có thể sử dụng các vật dụng hỗ trợ để hạn chế tác nhân vi sinh vật xâm nhập vào tai gây bệnh cho trẻ khi đi bơi, như: Cho trẻ đội mũ, đeo nút bịt tai khi đi bơi để bảo vệ tai; Đeo kính bơi cho trẻ để bảo vệ mắt. Lưu ý, không dùng chung nút tai, kính bơi với các trẻ khác. Phụ huynh nên mua cho trẻ các dụng cụ hỗ trợ bơi này ở các cửa hàng uy tín để đảm bảo chất lượng.

Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý, những người có tiền sử viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hạn chế đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu từng bị viêm tai, hoặc đã từng phẫu thuật tai thì nguy cơ nước vào tai gây viêm nhiễm càng lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục