Phòng tránh bệnh về da và nguy cơ bỏng mùa bão lũ

P.V, icon
11:02 ngày 17/09/2024

VTV.vn - Thời gian gần đây, Khoa Da liễu và Bỏng - Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều ca bệnh đến khám với nhiều bệnh lý da và bỏng khác nhau.

Mưa bão, ngập lụt kéo theo nhiều yếu tố gây hại cho da, chẳng hạn như độ ẩm cao, môi trường ô nhiễm, nước bẩn... Bên cạnh bệnh lý về da, nguy cơ bỏng do nước nóng, hóa chất, bỏng điện do chập cháy trong mùa bão cũng tăng lên đáng kể.

Nấm da: Do tiếp xúc với nước bẩn và độ ẩm cao dẫn đến nấm mốc phát triển, phá vỡ cân bằng vi hệ trên da và gây bệnh. Triệu chứng: Ngứa, đỏ da, bong vảy. Có thể lây cho những thành viên khác trong gia đình hoặc những người sinh hoạt cùng trong không gian sống.

Viêm da tiếp xúc: Do tiếp xúc với nước ngập, hóa chất, bùn đất gây kích ứng da. Triệu chứng: Phát ban, mụn nước nhỏ li ti, ngứa rát, chảy dịch, …

Chốc ở trẻ em và nhiễm trùng da ở người lớn (nhọt, nhọt cụm, áp xe da, viêm mô bào): Vi khuẩn từ nước bẩn, trợt xước, vết thương hở do va đập trong quá trình di chuyển và điều kiện ẩm ướt gây nhiễm trùng da. Triệu chứng: Loét da, mụn mủ, sưng nóng đỏ đau quanh các vết thương, sốt. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn…

Viêm kẽ (hăm): Thường gặp ở những vùng da vị trí nếp gấp (nách, bẹn, kẽ mông…) do ẩm ướt kéo dài và không có nước sạch sinh hoạt tắm rửa, vệ sinh. Triệu chứng: Mẩn đỏ, ngứa, trợt nông, chảy dịch vàng...

Ấu trùng xâm nhập qua da (bệnh ấu trùng di chuyển): Do ấu trùng giun sán có trong nước lũ xâm nhập vào da.

Bỏng do nước nóng: Khi nấu nướng hoặc đun nước trong điều kiện mưa bão, do gió to, cúp điện không nhìn rõ, do vật dụng lộn xộn sau di dời, tránh ngập lụt dẫn đến bỏng nước sôi.

Bỏng do hóa chất trong nước lũ: Nước lũ, nước đọng sau ngập lụt có thể chứa nhiều hóa chất độc hại từ công nghiệp, rác thải.

Bỏng do điện giật: Tình trạng ngập nước có thể gây nguy hiểm liên quan đến rò rỉ điện, dẫn đến bỏng hoặc giật điện.

Để chăm sóc và phòng tránh bệnh da mùa bão lụt, Khoa Da liễu và Bỏng - Bệnh viện Bạch Mai đưa ra những khuyến cáo sau cho người dân:

- Giữ da khô ráo và sạch sẽ.

- Tránh để da tiếp xúc với nước lũ, nước đọng. Tắm bằng nước sạch sau khi tiếp xúc với nước bẩn.

- Lau khô và thay quần áo ngay khi bị ướt.

- Chọn trang phục bảo vệ da: Mặc quần áo dài tay, chất liệu thấm hút tốt và giày dép chống thấm để tránh tiếp xúc trực tiếp với nước bẩn.

- Băng kín các vết thương hở để tránh nhiễm trùng.

- Khử trùng bề mặt, đồ dùng tiếp xúc với nước bẩn.

- Sử dụng các loại kem làm dịu da kích ứng, kem dưỡng ẩm, các loại sữa tắm dịu nhẹ hoặc các sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với loại da của mình để làm sạch, giữ ẩm và bảo vệ da khỏi nhiễm trùng.

- Dọn dẹp nơi ở, thu gom và dọn sạch rác thải, lá cây, cành gãy, cây chết; tránh nước đọng, làm sạch các bề mặt bị ngập, tránh tạo thành các ổ vi khuẩn phát triển và các loại ấu trùng, côn trùng, động vật có hại sinh sôi nảy nở.

- Khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường trên da: Nếu có triệu chứng ngứa, mụn nước, loét da, cần khám sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để phòng tránh nguy cơ bỏng trong mùa bão lụt, cần áp dụng một số biện pháp như sau:

Cẩn thận khi sử dụng nước nóng: Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi sử dụng, tránh để trẻ em tiếp xúc với nước nóng không có người lớn trông nom giám sát; khu vực bếp và nấu ăn cần sắp xếp gọn gàng, thoáng đãng.

Tránh tiếp xúc với nước lũ ô nhiễm: Mang đồ bảo hộ khi lội nước ngập, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.

Kiểm tra và ngắt nguồn điện khi có nguy cơ rò rỉ điện, giữ khô ráo quanh các ổ điện và nơi có nguy cơ rò rỉ điện: Đảm bảo hệ thống điện an toàn, ngắt điện nếu thấy nguy cơ rò rỉ điện trong môi trường nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục