Phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh

Mai Lê, icon
06:39 ngày 18/08/2023

VTV.vn - Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề "Hysteria tập thể"… ngày một gia tăng.

Em T.V.T cố gắng làm việc, điều trị tốt tại Bệnh viện Tâm thần với mong muốn nhanh khỏe bệnh để về đoàn tụ với gia đình và đi học trở lại. (Ảnh: Quang Nhật)

Theo báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF, trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi thì có một trường hợp được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử.

Tại Việt Nam, theo số liệu trong báo cáo sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF, cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.

Nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, mỗi khi không lên cơn bệnh, em T.V.T. (15 tuổi, trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đều mong muốn được khỏi bệnh và đến trường học tập như các bạn. Phát bệnh từ khi đang học lớp 4, thời điểm này em bị động kinh và rối loạn tâm thần nên phải nghỉ học đi điều trị bệnh. Từ đó đến nay, vài tháng em lại phải vào bệnh viện điều trị một lần. Được bác sĩ chăm sóc, uống thuốc đầy đủ, tỉnh táo là em lại khát khao đi học.

Em T.V.T. chia sẻ: "Nghỉ học rồi mỗi lần về nhà mẹ bảo gì em làm nấy. Khi nào thấy người khó chịu, bứt rứt, đau đầu, đi tiểu không kiểm soát là em lại đi bệnh viện để điều trị. Mỗi lần vào viện em lại mong ngóng nhanh khỏe để được xuất viện về đoàn tụ với gia đình và được đi học theo em của mình".

Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần, em A.E. (17 tuổi, trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Trước đây, khi đang học lớp 10, vì nghiệm game nên em bỏ học. Sau đó, em đi làm thêm để kiếm tiền chơi game. Vì nghiện game, hầu hết thời gian ăn uống, nghỉ ngơi em đều dành chơi game khiến cơ thể mất ngủ, mệt mỏi, kiệt sức. Gia đình cho em nhập viện điều trị vì nhiều ngày liên tục mất ngủ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa Điều trị Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk, sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một trạng thái của sự khỏe mạnh và hạnh phúc, nhận thức rõ được khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Hiện nay, tình trạng trẻ vị thành niên ở độ tuổi học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… đang trở nên phổ biến do nhiều nguyên nhân như áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái và điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các em; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, nghiện mạng xã hội, hút thuốc lá, uống rượu, bia… Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Và khi kết quả học tập không tốt lại tạo ra áp lực dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.

Khi mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ thường có biểu hiện mất ngủ, lo lắng quá mức, mệt mỏi vô cớ, thường xuyên cáu gắt, sợ phải đến trường… Đối với lứa tuổi học sinh thông thường cần được ngủ trung bình tối thiểu 8 giờ mỗi ngày để đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, đủ sức khỏe để tiếp tục học tập vào ngày tiếp theo. Tuy nhiên, khi trẻ có biểu hiện mất ngủ, tổng thời gian ngủ trong ngày dưới 4-5 giờ, kèm than phiền mệt mỏi, biếng ăn, hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cho rằng bản thân không đáp ứng được kỳ vọng gia đình... là dấu hiệu các em đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.

Có thể thấy, sức khỏe tâm thần là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Do đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý không nên tạo quá nhiều áp lực cho trẻ nhất là trong việc học hành. Cần tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học. Tăng cường các hoạt động thể thao cho trẻ, nên cho trẻ ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.

Khi trẻ gặp các vấn đề bất thường, nên khuyến khích trẻ nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề. Nếu phát hiện trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường, nên sớm cho trẻ tới các chuyên gia về tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục