Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

Hồng Ánh, Đình Thi, icon
01:38 ngày 29/05/2023

VTV.vn - Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ một cách sớm nhất.

Trường hợp bé H’K.N. (9 tháng tuổi, trú tại xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cân nặng chỉ có 6kg và nhỏ hơn rất nhiều so với những trẻ cùng độ tuổi. Bé đang được điều trị nội trú tại Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Người nhà cho biết, khi sinh ra bé được 3,4 kg, khá bụ bẫm. Từ khi được 3 tháng tuổi, bé hay có các biểu hiện sốt cao liên tục và bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa, như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, viêm đường ruột... biếng ăn và không lên cân. Bé đã nhập viện nhiều lần và được các bác sĩ khám và chẩn đoán bị suy dinh dưỡng mức độ nặng, nếu không điều trị sớm có thể gây ra các vấn đề phát triển lâu dài của bé.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, trong đó có 3 nguyên nhân chính là trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như bệnh lý viêm phổi, bệnh lý tiêu chảy. Khi mắc bệnh lý này thì trẻ sẽ biếng ăn hơn so với bình thường, kém hấp thu và hay bị sụt cân, chính vì tình trạng đó sẽ khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh hay là các bệnh lý di truyền như bệnh đao, các dị tật ở vòm hầu, nguyên nhân này cũng khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng; những trẻ sinh ra thì khỏe mạnh, có cân nặng bình thường so với tuổi thai, tuy nhiên trong quá trình nuôi dưỡng có một chế độ ăn không hợp lý như trẻ được ăn dặm quá sớm hay ăn dặm quá trễ, hoặc là số lượng bữa ăn quá ít và thiếu dinh dưỡng trong các bữa ăn thì trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ đạm hay các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển.

Theo số liệu của Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, năm 2022, có 1.508 đối tượng trẻ em được điều tra về tình trạng dinh dưỡng, trong đó có 786 trẻ em nam, 722 trẻ em nữ; tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 18,3%; suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 28,3%.

Để phòng tránh suy dinh dưỡng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đúng lúc và đúng cách, ăn thực phẩm đa dạng, cho trẻ ăn thô sớm và đầy đủ 4 nhóm thực phẩm như đạm, đường, béo, Vitamin và muối khoáng. Bổ sung thêm các Vitamin mà trẻ hay thiếu như Vitamin A, Vitamin D, các khoáng chất sắt, kẽm. Trẻ cần được sổ giun định kỳ 6 tháng 1 lần. Những trẻ suy dinh dưỡng thì cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, tránh các khói thuốc lá, không khí bị ô nhiễm, tiêm vaccine đầy đủ để phòng các bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy. Điều cần lưu ý là các bậc phụ huynh nên theo dõi cân nặng của trẻ, ít nhất trong vòng 3 tháng để theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ một cách sớm nhất.

Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có các biểu hiện như biếng ăn, không lên cân, kém linh hoạt hơn so với những trẻ bình thường, da xanh xao, nhợt nhạt, chậm mọc răng, tóc rụng nhiều, chậm vận động về thể chất, chậm phát triển, hay bị rối loạn tiêu hóa, hay quấy khóc. Những trẻ suy dinh dưỡng thì cân nặng và chiều cao sẽ thường không tăng liên tiếp trong vòng 3 tháng, hay ốm vặt. Tuy nhiên, để xác định chính xác mức độ của trẻ suy dinh dưỡng thì các bậc phụ huynh có thể dựa vào bảng phân loại dinh dưỡng theo Tổ chức Y tế thế giới, đó là cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao. Riêng ở trẻ dưới 5 tháng tuổi thì có thể dựa vào chu vi vòng cánh tay để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Theo BSCKI. Nguyễn Hoàng Linh - Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, nếu như trẻ bị suy dinh dưỡng mà không có sự can thiệp sớm và đúng cách thì hệ miễn dịch bị suy yếu. Khi hệ miễn dịch suy yếu thì trẻ dễ dàng mắc các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, làm cho trẻ biếng ăn và kém hấp thu, từ đó làm trẻ sụt cân và suy dinh dưỡng, nó tạo thành một vòng luẩn quẩn, bệnh lý nhiễm trùng là nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, là điều kiện để cho vi khuẩn hoặc virus gây bệnh tăng sinh và gây ra bệnh lý nhiễm trùng.

Từ khi mang thai tới khi trẻ được 2 tuổi, đó là giai đoạn vàng để phát triển về thể chất và chiều cao. Các nhà khoa học đã nghiên cứu chiều cao của trẻ lúc 3 tuổi chính là chiều cao của trẻ lúc trưởng thành. Ngoài ra nếu đứa trẻ đó bị suy dinh dưỡng thì chúng còn thiếu các vi chất như sắt, kẽm. Điều đó ảnh hưởng tới IQ của trẻ sau này.

Suy dinh dưỡng để lại hậu quả nặng nề đối với trẻ, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ dẫn đến chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, khiến trẻ thấp còi, trí thông minh kém, học tập kém. Chính vì vậy, khi thấy trẻ biếng ăn, thường xuyên bỏ bữa, cơ thể gầy còm hoặc chậm phát triển chiều cao hơn các bạn đồng lứa, da xanh xao... hoặc khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Qua đó, bác sĩ sẽ kết luận chính xác nguyên nhân suy dinh dưỡng, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục