Phù bạch mạch - Bệnh lý hiếm gặp

Linh Chi, icon
07:49 ngày 11/04/2018

VTV.vn - Thông tin từ Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, Trung tâm vừa phẫu thuật thành công cho 4 bệnh nhi mắc chứng phù bạch mạch.

Phẫu thuật cho bệnh nhi mắc bệnh lý phù bạch mạch

Đây là kết quả phổi hợp giữa Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội với GS Corinne Becker đến từ Pháp, là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình.

Phù bạch mạch là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới. Các bé (dưới 3 tuổi) nhập viện trong tình trạng chân phù to, tăng dần từ ngay sau khi sinh ra. Một trong số này bị chứng phù tăng rất nhanh, trước đó đã phẫu thuật hai lần để cắt bớt phần mô gây hạn chế vận động ở phần mu chân.

Dù đã lặn lội khắp các nơi, nhưng các gia đình cho biết đều rất bế tắc vì chưa có phương pháp nào điều trị hiệu quả. Thậm chí, chân các cháu ngày càng phù tăng dần và hạn chế vận động.

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, mỗi năm bác sĩ gặp khoảng 10 ca bệnh (cả người lớn và trẻ em) mắc phù bạch mạch. Đối với trẻ em có thể do bẩm sinh, hoặc do mắc phải ở người lớn như giun chỉ, biến chứng trong điều trị ung thư, hoặc do chấn thương.

Tại Việt Nam, đến nay chưa có cơ sở nào điều trị được căn bệnh này. Bệnh phù bạch huyết nguyên phát do bất thường bẩm sinh của hạch bạch huyết hoặc hệ thống mạch bạch huyết dẫn đến ứ trệ dịch tăng dần ở một phần chi thể.

Từ đó, gây ra hạn chế vận động, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng chất lượng sống của người bệnh. Bên cạnh đó, chi thể ứ dịch là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng mô mềm và loét da.

Bệnh phù mạnh bạch huyết tiến triển qua 3 giai đoạn: giai đoạn sớm, phù ấn lõm, vận động các chi gần như bình thường; phù tăng lên, ấn không lõm, sự phì đại của chi sang giai đoạn không hồi phục, vùng chi bị tổn thương bắt đầu xơ hóa; vùng tổn thương trở lên rất to, cứng và xơ hóa không hồi phục (còn gọi là phù chân voi).

Theo GS Corinne Becker (Pháp) trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật chia sẻ, để phẫu thuật cho bệnh nhân bị phù mạnh bạch huyết đã sử dụng phương pháp ghép hạch tự thân vùng bẹn, đem lại hiệu quả rất cao.

Tuy nhiên, điều khó khăn trong ca mổ này là việc bóc tách tổ chức mỡ ngang núm vú tìm mạch ngực ngoài, tìm tách động mạch và tĩnh mạch ngực ngoài, bóc tách vạt mỡ - hạch bạch huyết với cuống mạch ngực ngoài, sau đó chuyển xuống vùng bẹn nối vào động mạch và tĩnh mạch thượng vị nông. Sau khi vạt hạch ghép thành công nó sẽ tiết ra VGEF3 - một hormone tăng trưởng tự nhiên giúp kích thích quá trình tạo ra các đường bạch mạch mới.

Nếu các bệnh nhi được phát hiện bệnh, điều trị sớm bằng phương pháp này, tỷ lệ thành công lên tới 98%. Chân các cháu sẽ trở nên cân đối và chất lượng cuộc sống của các cháu gần như bình thường, GS Corinne Becker cho biết thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục