“Quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý dược liệu còn khó hơn”

Thu Thủy, icon
06:40 ngày 14/09/2016

VTV.vn-Tại Hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý dược liệu còn khó hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, cần phải giải quyết trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu.

"Để khám, chữa bệnh được tốt, thuốc vô cùng quan trọng, không ai có thể chữa bệnh mà không cần dùng đến thuốc, kể cả sử dụng đến phương pháp ngoại khoa can thiệp vẫn phải sử dụng đến thuốc. Quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý các dược liệu của y học cổ truyền lại càng khó khăn hơn nhiều" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, hàng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 - 85% dược liệu sử dụng có nguồn gốc nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc.

“Quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý dược liệu còn khó hơn” - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, do lợi nhuận của việc buôn lậu dược liệu rất cao nên tình hình buôn lậu dược liệu đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là vận chuyển lậu qua đường mòn, lối  mở, vận chuyển trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó cũng xuất hiện tình trạng trộn lẫn giữa dược liệu nhập lậu với dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dược liệu không đảm bảo chất lượng với dược liệu đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Để tăng cường công tác quản lý dược liệu, hướng tới cho người dân sử dụng dược liệu đảm bảo chất lượng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu. Trong đó có quy định cơ sở nhập khẩu dược liệu khi đăng ký tờ khai Hải quan phải xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của dược liệu, do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp để làm thủ tục thông quan. 

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc TW, cho biết: Với đánh giá nguy cơ nhóm dược liệu và thuốc đông dược có nhiều vi phạm về chất lượng, đã lấy gần 7.000 mẫu kiểm nghiệm trong mỗi năm. Trên cơ sở các mẫu đó phát hiện từ 9 - 10% nghi ngờ có vấn đề về mặt chất lượng đã thể hiện trên kết quả kiểm nghiệm trong số các mẫu đó.

Kết quả kiểm nghiệm này đã phản ánh đúng đặc thù riêng của dược liệu liên quan đến nhiều yếu tố như: vấn đề về nuôi trồng và thu hái, bảo quản chưa tuân thủ các quy định đã dẫn tới vi phạm chất lượng. Bên cạnh đó, dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam không thể kiểm soát được ngay từ đầu nguồn nên có những vi phạm về chất lượng.

“Quản lý thuốc tây y đã khó, quản lý dược liệu còn khó hơn” - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

 "Vi phạm về dược liệu cũng rất đa dạng: có thể nhầm lẫn về các cây thuốc, không đúng về các bộ phận cây thuốc được sử dụng; hay có các tạp chất, có trường hợp không đúng loài – mặc dù đặc điểm thực vật giống nhưng khi phân tích sâu nó không có các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh" -  anh Nguyễn Đăng Lâm cho biết thêm. 

Ngoài ra, bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cũng chia sẻ: "Trên thị trường vẫn xuất hiện những dược liệu kém chất lượng, Bộ Y tế khuyến cáo khi cung cấp và sử dụng dược liệu cần phải tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng rõ ràng. Với dược liệu trồng ở trong nước, phải có vùng trồng rõ ràng. Hiện Chính phủ, Bộ Y tế cũng tích cực triển khai việc tự chủ nguồn dược liệu trong nước, bằng cách khuyến khích người dân về chính sách thuế, giống và đất. Việc tăng cường quản lý về chất lượng và nguồn gốc phải kiếm soát cả quá trình, bao gồm từ khâu nuôi trồng, thu hái, bảo quản đến lưu thông, sử dụng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục