Báo động gia tăng số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết
Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.
Tích lũy từ đầu năm đến 25/8/2023 cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong. Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6), và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây.
Trong số các ca mắc sốt xuất huyết, đáng lo ngại là có nhiều trẻ em. Trong đó cũng đã có những trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhi nữ, 7 ngày tuổi, cân nặng lúc sinh 2.500 gram và không có bất thường sau sinh.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy ở bệnh nhi có tình trạng giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính chiếm 40%, giảm tiểu cầu, Crp là 0.21 mg/dl, Pro-calcitonin là 0.335 ng/ml. Bên cạnh đó, bệnh nhi có tình trạng rối loạn đông máu (PT 48%, aPTT 54 giây).
Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, kết quả test nhanh Dengue NS1, IgM dương tính.
Thống kê riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện. Một số bệnh viện khác cũng ghi nhận số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện nhiều.Cá biệt, có trường hợp bé sơ sinh 7 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết.
Một thực trạng đáng lo ngại nữa là nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Hầu hết các bệnh nhân đều đến muộn hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: Cúm, COVID-19 dẫn đến tiểu cầu hạ, chảy máu chân răng, chảy máu cam… thậm chí có trường hợp suy gan, viêm màng não.
Các ca mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Vì sao sốt xuất huyết liên tục bùng phát?
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển. Trong khi đó tại các tỉnh, thành phía Nam, đang trong mùa mưa nên muỗi cũng sinh sôi phát triển nhiều.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khó kiểm soát nêu trên, phải kể đến những yếu tố chủ quan, mà nhiều năm nay, dù cơ quan y tế khuyến cáo liên tục, vẫn chưa khắc phục được. Đó là:
- Việc kiểm soát nguồn truyền bệnh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh.
- Sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao, chưa quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy...
Tại Hà Nội, qua kiểm tra của cơ quan y tế cho thấy: Nhiều ổ dịch chưa đảm bảo môi trường phòng sốt xuất huyết.
CDC Hà Nội giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Cổng TTĐT Hà Nội
Đơn cử như phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng là một trong những điểm nóng về dịch sốt xuất huyết. Chỉ trong hai tháng, trên địa bàn phường đã ghi nhận 40 ca mắc sốt xuất huyết.Tại một trong nhiều ổ dịch sốt xuất huyết tại phường này, tất cả các hộ gia đình và môi trường xung quanh đã được phun thuốc diệt muỗi 1 đến 2 lần. Nhiều người dân cho rằng, như vậy sẽ không còn muỗi, bọ gậy.Bọ gậy, loăng quăng được phát hiện tại nhiều nơi trong chỗ ở của các công nhân, trong các chai lọ, bình nước và lốp xe. Tâm lý chủ quan, không quan tâm tới môi trường xung quanh hay chỉ cần nơi mình sinh sống sạch, không có muỗi là được đã khiến ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Thanh Lương này kéo dài vài tháng.
Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Tĩnh. Ảnh: CDC Hà Tĩnh.
Còn những hình ảnh trên đây là một buổi giám sát công tác phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Tĩnh.
Theo nhận định của cơ quan y tế ở địa phương, một trong những khó khăn của Hà Tĩnh trong việc ngăn chặn dịch sốt xuất huyết là tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là ở nơi đã từng ghi nhận có ca mắc, phát sinh các ổ dịch.
Với đặc tính sinh học muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thích đẻ trứng ở những nơi đọng nước như: bể chứa nước mưa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, lọ hoa, lốp cao su hoặc những dụng cụ phế thải xung quanh nhà có chứa nước mưa... song một bộ phận người dân lại có thói quen tích trữ nước sinh hoạt, không xử lý các dụng cụ phế thải, phế liệu. Điều này vô tình tạo môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển, truyền bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, việc tổng vệ sinh môi trường ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào thời điểm ghi nhận ca mắc, sau đó lại lơ là. Trong khi, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Tại Đồng Nai, BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết, mặc dù qua khảo sát, đa số người dân đều có ý thức ngủ mùng và thường xuyên thau rửa các vật dụng chứa nước như bình bông, thùng chứa nước, xô chậu… nhưng qua giám sát chỉ số côn trùng tại một số xã trọng điểm về sốt xuất huyết, đơn cử như tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho thấy, vẫn phát hiện chỉ số muỗi Aedes (gây bệnh sốt xuất huyết) và lăng quăng tại các hộ gia đình.
Nhân viên CDC Đồng Nai giám sát chỉ số côn trùng tại nhà người dân. Ảnh: CDC Đồng Nai.
Dịch bệnh diễn biến bất thường, hậu quả còn khôn lường nếu vẫn còn tâm lý chủ quan
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và không còn mang tính chất chu kỳ 3-4 năm mới có dịch lớn một lần nữa - BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai lo ngại.
Bác sĩ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) thì nhận định: “Với tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phía Bắc như năm nay có thể nhận thấy, dịch sốt xuất huyết đang “phá vỡ quy luật và có dấu hiệu “đảo chiều”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9, 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2022 có 19.771 ca. Thêm vào đó, thời điểm này, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học, làm gia tăng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Cục Y tế dự phòng mới đây cũng thông tin: Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới sẽ còn phức tạp.
Vì vậy để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
1. Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và loại bỏ ổ bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày; dùng kem xua muỗi, đốt hương muỗi.
+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, phun thuốc diệt diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ ổ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn như cá cờ, cá rô phi, cá vàng cảnh,....thau rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước không cần thiết; các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre...cần được loại bỏ, lấp kín; khơi thông cống rãnh; phát quang bụi rậm; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
2. Đối với người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn, tránh muỗi đốt để phòng lây lan bệnh cho người khác.
3. Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám và tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà.
4. Thông báo ngay cho Trạm y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện khi phát hiện có người nghi mắc bệnh sốt xuất huyết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Khi có dịch sốt xuất huyết Dengue xảy ra tại cộng đồng, mọi người, mọi nhà cần phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở y tế để phòng chống dịch. Hãy chung tay xây dựng một môi trường: "Không có loăng quăng, bọ gậy thì không có sốt xuất huyết".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
VTV.vn - Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nối thành công "của quý" của nam thanh niên đã chính tay cắt nát trong lúc hoang tưởng ảo giác.
VTV.vn - Đây là cơ sở khiến 80 học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Lào Cai bị ngộ độc thực phẩm.
VTV.vn - Trong tuần qua (25-31/10), toàn thành phố ghi nhận 612 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 110 trường hợp so với tuần trước.
VTV.vn - Mang thai ngoài ý muốn ở độ tuổi vị thành niên để lại rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý và kinh tế.
VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 53 tuổi bị sốc phản vệ nghiêm trọng ngay tại nhà sau khi sử dụng Thiamazol.
VTV.vn - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe TIGI MAX PLUS có chứa chất cấm Sibutramine, Phenolphtalein.
VTV.vn - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa lấy ra búi giun đũa với hơn 100 con lớn, nhỏ trong ruột của nam bệnh nhi 2,5 tuổi, kịp thời cứu người bệnh khỏi cơn nguy kịch.
VTV.vn - Theo một nghiên cứu năm 2017, chuột rút chân ban đêm khá phổ biến, với khoảng 30% người trưởng thành gặp tình trạng này mỗi tháng.
VTV.vn - Theo các chuyên gia sức khỏe, sử dụng một liều lượng vừa đủ của hỗn hợp này đều đặn trong một tuần, mỡ bụng sẽ biến mất một cách kỳ diệu.
VTV.vn - Môi trường sống và làm việc thường xuyên bật máy lạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.
VTV.vn - Theo các chuyên gia, đốt các hợp chất có chứa hương liệu sản sinh ra nhiều vật chất dạng hạt gây hại hơn so với thuốc lá.
VTV.vn - Có rất nhiều thói quen lười biếng trong cuộc sống hàng ngày có thể ảnh hưởng tới cơ thể hơn bạn tưởng tượng.
VTV.vn - Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) vừa thực hiện cấp cứu nam bệnh nhân (43 tuổi) bị nhiễm độc thuốc diệt kiến Pyretheroid.
VTV.vn - Ngày 1/11, sau 50 ngày được tích cực điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, bé gái trong vũ lũ quét tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) - Mông Hoàng Thảo Ngọc đã được ra viện.
VTV.vn - Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận số ca đột quỵ gia tăng đột biến.