Sự nguy hại của chất thải y tế

Phương Anh, icon
07:53 ngày 21/12/2019

VTV.vn - Chất thải y tế nếu không được thu gom, phân loại, xử lý đúng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe và môi trường sống của con người.

Hình minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Khoa Sức khoẻ môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Chất thải y tế là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải thông thường và chất thải y tế nguy hại.

Chất thải y tế thông thường là loại chất thải không gây ra những vấn đề nguy hiểm đặc biệt cho sức khỏe con người và môi trường. Chất thải thông thường được coi là tương đương với chất thải sinh hoạt và thường phát sinh ở các khu hành chính từ các hoạt động lau dọn, vệ sinh hàng ngày của các bệnh viện.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như: dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn. Chất thải y tế nguy hại lại được phân làm nhiều loại:

Chất thải sắc nhọn (loại A): là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác.

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B): Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C): Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.

Chất thải giải phẫu (loại D): Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm…

Nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải đó là nhân viên y tế và các nhân viên hành chính. Bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú, khách tới thăm, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong các cơ sở khám chữa bệnh…cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, để tránh sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, đồng thời bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế, trước hết ngành y tế phải quan tâm đầu tư, thực hiện các biện pháp đồng bộ, thông qua việc tuyên truyền tại các cơ sở y tế để mỗi cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh luôn có ý thức thực hiện phân loại rác thải ngay tại nơi phát sinh chất thải và lưu giữ đúng quy định.

Người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi. Lãnh đạo tại các cơ sở y tế cần phải xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y để xử lý, tiêu huỷ chất thải đảm bảo các yêu cầu cần thiết… nhằm giảm thiểu những tác động của nó đối với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh, an toàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục