Suy giãn tĩnh mạch - Nỗi lo của những người lớn tuổi

P.V, icon
10:39 ngày 28/10/2019

VTV.vn - Giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở những người hay làm việc phải đứng hoặc ngồi tại chỗ quá lâu… Bệnh có nguy cơ cao ở người cao tuổi, béo phì…

Hình minh họa (Ảnh: medicalnewstoday).

Suy giãn tĩnh mạch ban đầu có thể chỉ là những biểu hiện đơn giản như tê chân, nhức mỏi, phù chân… Sau một thời gian sẽ xuất hiện những biến chứng mà y học gọi là giãn tĩnh mạch. Giãn tĩnh mạch là biến chứng của suy van tĩnh mạch. Tức là sau một thời gian bị suy van tĩnh mạch, hiện tượng viêm và ứ trệ tuần hoàn trong lòng tĩnh mạch sẽ làm cho thành của các tĩnh mạch bị yếu đi và giãn lớn ra.

Hệ thống tĩnh mạch ngoại biên của cơ thể con người bao gồm tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch xuyên có tác dụng nối hai tĩnh mạch nông và sâu lại với nhau. Do đó, cũng có 3 loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch xuyên. Trong đó, giãn tĩnh mạch nông là hay gặp nhất.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, nguyên nhân chính của giãn tĩnh mạch là do tình trạng suy van tĩnh mạch và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch cùng với hiện tượng viêm của thành tĩnh mạch. Bệnh này cũng có yếu tố di truyền, chẳng hạn như mẹ có thể di truyền cho con gái. Những người có tuổi tác càng lớn thì hay gặp phải vấn đề suy giãn tĩnh mạch chân, tuy nhiên những đối tượng hay bị giãn tĩnh mạch nhất là phụ nữ. Vì phụ nữ có nội tiết tố nữ, nếu hàm lượng nội tiết tố nữ tăng cao sẽ làm suy thành tĩnh mạch và dễ gây hình thành cục máu đông trong đó.

Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch

- Ở giai đoạn đầu.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Nhiều mạch máu nhỏ li ti (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

- Giai đoạn tiến triển.

Bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da...

- Giai đoạn biến chứng.

Gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

Hạn chế suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?

Người dân có thể hạn chế suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng cách cải thiện các hoạt động hàng ngày góp phần hỗ trợ hồi lưu tĩnh mạch như: đi bộ tập thể dục đều đặn, tránh đứng một chỗ quá lâu, kê chân lên cao khi ngồi hoặc nằm, hạn chế mặc quần áo bó sát. Nếu mới xuất hiện bệnh, bạn có thể ngăn bệnh tiến triển nặng hơn bằng cách mang vớ y khoa thường xuyên; áp lực của vớ sẽ ép đều đặn lên cơ cẳng chân, giúp đưa máu về tim, giảm lượng máu chảy ngược xuống bàn chân, giảm sưng phù bàn chân và ngăn hình thành cục máu đông. Khi tĩnh mạch phồng to lan khắp chân, phù chân, bạn nên đi thăm khám để bác sĩ đưa ra các biện pháp can thiệp thích hợp như điều trị bằng laser, chích xơ…

Trường hợp thấy dấu hiệu bất thường như: chân phù nề, đau đớn, đi lại khó khăn đó là biểu hiện bệnh ở giai đoạn nặng cần đi khám ngay tại các chuyên khoa mạch máu để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục