Suy giáp ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Linh Chi, icon
08:39 ngày 23/06/2019

VTV.vn - Suy tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp, thiểu năng tuyến giáp, suy giáp, là một dạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

Hình minh họa.

Theo TS.BS. Đàm Trọng Nghĩa, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, thực tế cho thấy: bệnh nhân bị suy tuyến giáp nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe:

Bướu giáp đơn thuần (còn gọi là bướu cổ)

Tuyến giáp phải liên tục tiết ra nhiều hormone thyroxine và triiodothyronine khiến tuyến giáp có thể phình to, gọi là bướu cổ. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bướu cổ. Bướu nhỏ thường ít gây ảnh hưởng và khó chịu cho người bệnh. Thế nhưng, bướu cổ lớn có thể cản trở bạn nuốt hoặc thở và gây mất thẩm mỹ.

Ảnh hưởng đến tim mạch

Suy giáp cũng có thể có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh tim, chủ yếu là do nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) hay còn gọi cholesterol xấu ở mức cao, có thể xảy ra ở những người có tuyến giáp hoạt động kém làm giảm khả năng bơm máu của tim. Suy giáp cũng có thể dẫn đến chứng tim to và suy tim.

Bệnh lý thần kinh ngoại biên

Tình trạng suy giáp nếu không kiểm soát được về lâu dài có thể gây tổn hại cho dây thần kinh ngoại vi. Đây là các dây thần kinh mang thông tin từ não và tủy sống đến những bộ phận khác của cơ thể, như cánh tay và chân của người bệnh. Các dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại vi có thể bao gồm: đau, tê và ngứa ran vùng chịu ảnh hưởng bởi tổn thương dây thần kinh. Đồng thời có thể gây yếu cơ hoặc mất kiểm soát cơ bắp.

Vấn đề sức khỏe tâm thần

Trầm cảm có thể xảy ra sớm khi mắc suy giáp và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể làm chậm hoạt động tâm thần. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị suy giáp có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, thai nhi nhận các hormone tuyến giáp từ mẹ. Nếu người mẹ bị suy giáp, bé sẽ không có đủ lượng hormone thyroxine và triiodothyronine cần thiết. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển tâm thần.

Nguy cơ khi mang thai và phát triển thai nhi

Nếu bị suy giáp thì bạn có thể có nguy cơ khó có con. Nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể thấp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự rụng trứng, làm suy giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy giáp, ví dụ như rối loạn tự miễn cũng có thể làm giảm khả năng sinh sản.

Sinh con có thể bị dị tật bẩm sinh. Trẻ được sinh ra từ những phụ nữ bị bệnh tuyến giáp không được điều trị có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ này cũng dễ bị các vấn đề về trí tuệ và phát triển nghiêm trọng hơn. Trẻ sơ sinh bị suy giáp không được điều trị có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng trong quá trình phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Bệnh phù niêm

Bệnh phù niêm là trường hợp suy tuyến giáp nặng khi nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể cực thấp kéo dài mà không được điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng. Phù niêm xảy ra khi da và các mô bị một chất nhầy chứa nhiều axit polysaccharide xâm chiếm.

Dấu hiệu người bệnh suy giáp bị phù niêm là phù cứng, ấn không lõm, buồn ngủ, nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Ngoài ra, người bệnh còn có thể rơi vào tình trạng mất ý thức hoặc hôn mê. Nguyên nhân khiến người bệnh bị biến chứng phù niêm dẫn đến hôn mê có thể là do việc sử dụng thuốc an thần, tình trạng nhiễm trùng hoặc stress. Nếu có các dấu hiệu của bệnh phù niêm, người bệnh cần được điều trị khẩn cấp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục