Tại sao bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính đợt cấp dễ bị viêm phổi?

P.V, icon
06:00 ngày 08/05/2024

VTV.vn - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease- COPD) là một bệnh phổ biến trên thế giới, có tỉ lệ mắc cao và xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo các tác giả ở các nước khác nhau trên thế giới do trước đây có quan niệm khác nhau về COPD nên con số thống kê tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong của COPD cũng rất khác nhau. Ở Châu Âu, ước tính tỉ lệ mắc COPD từ 23-41% ở người nghiện thuốc lá, tỷ lệ nam/nữ là 10/1. Ở Pháp, con số tử vong do COPD là 20.000 người/năm. Ở Mỹ La-tinh, tỷ lệ COPD khoảng 18,3-32,1% ở người trên 60 tuổi. Tỷ lệ mắc COPD đang có xu hướng gia tăng, năm 2000 có khoảng 10 triệu người Mỹ được chẩn đoán là COPD, bệnh là nguyên nhân của 8 triệu lượt khám ngoại trú và 1,5 triệu lượt cấp cứu mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, COPD gây ra cái chết cho khoảng 2,9 triệu người mỗi năm. Hiện nay, COPD là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba và là bệnh gây tàn phế đứng hàng thứ năm trên toàn thế giới, dự báo đến năm 2060 hằng năm có trên 5,4 triệu người chết do COPD. Trong các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có tỷ lệ mắc COPD khá cao. Theo kết quả điều tra dịch tễ COPD toàn quốc năm 2010, tỷ lệ COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc là 4,2% và tỷ lệ mắc bệnh chung cho các lứa tuổi trên 15 là 2,2%

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm Bộ môn nội hô hấp - Bệnh viện TWQĐ 108, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết:

Đợt cấp COPD là tình trạng cấp tính của bệnh với biểu hiện lâm sàng: khó thở tăng, ho tăng, khạc đờm tăng và hoặc thay đổi màu sắc của đờm. Những biến đổi này đòi hỏi phải thay đổi phác đồ điều trị. Theo thống kê trung bình mỗi năm, một bệnh nhân COPD có từ 1,5 - 2,5 đợt cấp/năm. Trong đó, ở những bệnh nhân kết quả đo chức năng hô hấp có thể tích thở ra tối đa giây đầu tiên (FEV1) dưới 40% số lý thuyết là khoảng 2,3 đợt cấp/năm, FEV1 trên 60% số lý thuyết thì chỉ khoảng 1,6 đợt cấp/năm. Đợt cấp của bệnh có nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh như làm suy giảm chức năng phổi dẫn đến giảm khả năng gắng sức, giảm chất lượng cuộc sống, mỗi đợt cấp làm bệnh tiến triển nặng thêm. Đợt cấp COPD cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải nhập viện, thậm chí là tử vong và tốn kém kinh phí điều trị.

Tuy nhiên, đợt cấp của COPD đặc biệt nặng khi có viêm phổi kết hợp, khi đó sẽ tăng tỷ lệ bệnh nhân bị suy hô hấp, phải can thiệp thở máy, tỷ lệ tử vong cao và chi phí điều trị tốn kém hơn. Ngoài ra, bệnh nhân viêm phổi nhập viện do COPD có tỷ lệ nhập viện ICU cao hơn đáng kể và thời gian nằm viện dài hơn so với những người không mắc COPD. Nhiều nghiên cứu gần đây đã đánh giá nguy cơ viêm phổi ở bệnh nhân COPD cũng mắc các bệnh đồng mắc khác như bệnh tim mạch.

Vấn đề ở đây là cần giải thích tại sao người bệnh bị COPD lại dễ mắc viêm phổi?

Mặc dù có nhiều vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên và phổi có thể hít phải vi khuẩn từ không khí nhưng đường hô hấp dưới ở người khoẻ mạnh là vô khuẩn, sở dĩ như vậy chính nhờ cơ chế bảo vệ đường thở. Phổi của chúng ta chống lại các tác nhân gây bệnh bằng các cơ chế: cơ học, dịch thể, tế bào, các cơ chế này tác động trên suốt chiều dài đường thở.

Khi có rối loạn cơ chế bảo vệ đường thở, đặc biệt sau nhiễm virus đường hô hấp sẽ phá vỡ khả năng bảo vệ của thảm nhày rung mao, hoặc những bệnh nhân bị giảm khả năng bảo vệ của đường thở (COPD, giãn phế quản...). Vi khuẩn có thể đột nhập và phát triển ở đường hô hấp dưới, vì thế bệnh nhân dễ bị viêm phổi. Điển hình trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phổi bị suy giảm cơ chế bảo vệ cả ở tất cả các phương diện về cơ học, dịch thể và tế bào làm cho nhưng bệnh nhân dễ mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi.

Các yếu tố giải thích tại sao bệnh nhân COPD dễ mắc viêm phổi:

- Viêm phế quản mạn tính.

- Tăng sản xuất chất nhầy dai dẳng.

- Sự hiện diện của vi khuẩn quần cư ở đường hô hấp.

- Mất cân bằng vi sinh vật.

- Tăng viêm đường hô hấp.

- Khả năng miễn dịch của vật chủ bị suy giảm.

- Tổn thương cấu trúc.

Vậy phòng ngừa viêm phổi ở bệnh nhân COPD bằng cách nào? PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến khuyến cáo:

Cần khuyến cáo tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả người lớn, chủ yếu ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý như COPD. Vaccine cúm đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ viêm phổi, cũng như giảm tỷ lệ nhập viện và các biến cố tim mạch liên quan. Ở bệnh nhân COPD, tiêm phòng cúm cũng có thể làm giảm tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Tóm lại, COPD là tình trạng bệnh đi kèm thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm phổi. Khi bị COPD, phổi của người bệnh bị suy giảm cơ chế bảo vệ cả ở tất cả các phương diện về cơ học, dịch thể và tế bào làm cho nhưng bệnh nhân dễ mắc nhiễm trùng đường hô hấp dưới, đặc biệt là viêm phổi. Những bệnh nhân này thường ở nhóm người cao và có các bệnh lý đi kèm khác như bệnh tim mạch sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến kết quả điều trị. Hệ vi sinh vật ở người khác biệt ở bệnh nhân COPD so với người bình thường có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp can thiệp điều trị như sử dụng ICS và nên được coi là yếu tố nguy cơ gây viêm phổi. Khuyến cáo việc thực hiện tiêm phòng cúm và cả vaccine phế cầu khuẩn là rất quan trọng ở những bệnh nhân COPD để dự phòng viêm phổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục