Thai chậm tăng trưởng và những điều mẹ cần biết

P.V, icon
06:58 ngày 27/10/2022

VTV.vn - Thai chậm tăng trưởng là tình trạng thai nhi kém phát triển, có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn so với cân nặng dự kiến so với tuổi thai.

Hình minh họa..

Theo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, các bé thai chậm tăng trưởng mức độ nhẹ sau sinh có thể phát triển tốt chiều cao và cân nặng. Tuy nhiên, các trường hợp nặng, có thể nguy hiểm nghiêm trọng trong thai kỳ và sau sinh nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Có 2 loại thai chậm tăng trưởng gồm: Thai chậm tăng trưởng khởi phát sớm: khi thai được chẩn nhẹ cân trước tuần thứ 32 của thai kỳ. Thai chậm tăng trưởng khởi phát sớm: khi thai được chẩn đoán nhẹ cân sau tuần thứ 32 của thai kỳ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong thai kỳ, phổ biến nhất vẫn là bất thường bánh nhau. Nhau thai bất thường, không hoạt động tốt sẽ không cung cấp đủ và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Dây rốn cùng chức năng nối bào thai với nhau thai bất thường cũng có thể dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: Mẹ mắc bệnh lý nhiễm trùng như giang mai, sởi, nhiễm toxoplasma, cytomegalovirus; mẹ sử dụng một số loại thuốc như điều trị co giật; mẹ mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn đông máu, thiếu máu hay đái tháo đường thai kỳ; thai nhi bất thường về nhiễm sắc thể như bị hội chứng Turner và hội chứng Down; mẹ mang đa thai; mẹ có lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.

Trẻ sơ sinh bị thai chậm tăng trưởng có nhiều nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe hơn. Những trẻ sinh sớm hoặc sinh ra có kích thước rất nhỏ thường phải nằm viện lâu hơn, cần được chăm sóc đặc biệt trong đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho nhi sơ sinh.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác có thể liên quan đến thai chậm tăng trưởng gồm: các vấn đề về thở và bú; khó giữ nhiệt độ cơ thể ổn định; số lượng tế bào máu bất thường; lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết); vấn đề chống lại nhiễm trùng; vấn đề thần kinh.

Thai chậm tăng trưởng là một thai kỳ nguy cơ cao, việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng, số tuần tuổi thai, thời điểm khởi phát thai chậm tăng trưởng, nguyên nhân, tình trạng sức khỏe thai và sự tưới máu của bánh nhau và dây rốn.

Mẹ bầu cần thăm khám và theo dõi thai kỳ sát hơn bình thường (mỗi tuần thậm chí mỗi 3 ngày hoặc nhập viện theo dõi nếu tình trạng nặng). Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc nặng; bổ sung dinh dưỡng; theo dõi liên tục, thường cử động thai tại nhà.

Về mặt y khoa, các bác sĩ sẽ theo dõi sát hơn thai kỳ của mẹ bầu, do thai chậm tăng trưởng có nguy cơ mất tim thai cao hơn các thai kỳ khác.

Biện pháp ngăn ngừa thai chậm tăng trưởng là xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh; ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng; hạn chế rượu bia, thuốc lá và chất kích thích; tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày.

Đồng thời, hãy thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ cũng như ghi nhớ lịch hẹn khám thai và xét nghiệm trước sinh để thai nhi được theo dõi tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục