Thay kính áp tròng bằng kính gọng phòng SARS-CoV-2

Nhật Anh, icon
08:00 ngày 30/03/2020

VTV.vn - Đeo kính gọng sẽ giảm tần suất chạm tay lên mắt và mặt, tạo "lá chắn" phòng virus, theo Học viện Nhãn khoa Mỹ (AAO).

CNN đưa tin, Tiến sĩ Thomas Steinemann, phát ngôn viên của AAO, bác sĩ nhãn khoa Trung tâm Y tế MetroHealth, Cleveland, Ohio, cho rằng người đeo kính áp tròng không chỉ chạm tay vào mắt khi đeo hay tháo kính. Họ còn có thói quen chạm tay vào mắt, mặt nhiều hơn người không đeo. Một số người còn quên rửa sạch tay trước khi đeo, tháo kính áp tròng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Kính gọng còn có thể bảo vệ mắt khỏi bất kỳ virus nào trong không khí, mặc dù nguy cơ nhiễm bệnh từ miệng và mũi cao hơn. Với các nhân viên y tế thường xuyên chăm sóc bệnh nhân COVID-19, sự thay đổi này rất quan trọng. Đối với những người thuộc các ngành nghề khác, đây là một cách phòng bệnh.

Ông cũng nhấn mạnh, về mặt lý thuyết một người không thể mắc COVID-19 nếu SARS-CoV-2 xâm nhập vào mắt. Tuy nhiên, một vấn đề dễ dàng xảy ra hơn là SARS-CoV-2 có khả năng gây viêm kết mạc (đau mắt đỏ), tình trạng dễ lây lan, gây sưng kết mạc.

Các báo cáo từ Trung Quốc và các nước cho thấy khoảng 1-3% người mắc COVID-19 cũng bị viêm kết mạc. Điều này đáng lo ngại, bởi một người có thể nhiễm SARS-CoV-2 nếu chạm vào dịch từ mắt bệnh nhân COVID-19, hoặc đồ vật chứa dịch mà bệnh nhân từng chạm vào.

Tin tức này khiến hơn 12 tổ chức mắt quốc gia tại Mỹ yêu cầu bác sĩ nhãn khoa dừng việc khám, chữa cho bệnh nhân, ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp hoặc cấp cứu, như chấn thương mắt. Đồng thời, dừng các thủ tục hành chính và chăm sóc phẫu thuật.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh: Viêm kết mạc không phải là một triệu chứng của COVID-19, mọi người không nên quá lo lắng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục