Thiết bị điện tử: Tác hại lớn đối với trẻ nhỏ

PV (Ghi), icon
07:15 ngày 27/05/2013

Cuộc sống hiện đại đang khiến trẻ em ngày càng tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng… Những thiết bị điện tử hiện đại này có tác hại vô cùng lớn đối với tâm lý và sức khỏe của trẻ.

Cháu Vũ Hoàng Phương, 4 tuổi, ngoài thời gian đi học trên lớp mỗi khi rảnh rỗi ở nhà, bố mẹ thường cho cháu chơi điện tử trên máy tính bảng. Khi được sử dụng máy tính, cháu thường rất say mê, không nghịch ngợm và cũng không chú ý tới bất kỳ thứ gì khác xung quanh. Ngay cả trong bữa ăn, bố mẹ cũng dùng máy tính để dỗ cháu.

Cháu Phương là một trong những trường hợp dễ gặp ở nhiều gia đình hiện nay. Sự phát triển của các thiết bị điện tử cầm tay đã mang lại tiện ích, không thể phủ nhận việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh, tạo sự phản ứng nhanh nhạy. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều các thiết bị điện tử cũng sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi của trẻ, đặc biệt là trẻ từ 3 - 6 tuổi.

Anh Vũ Mạnh Tân, bố của cháu Phương cho biết: “Bình thường tôi cho cháu chơi vào thời gian rảnh rỗi, đặc biệt là lúc cho cháu ăn. Cháu rất lười ăn nên phải cho cháu sử dụng điện thoại hay Ipad để cháu chịu ăn”.

‘ Trẻ trở nên thụ động và cô lập bản thân nếu tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử. (Ảnh minh họa)

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, nếu trẻ tiếp xúc sớm với các đồ công nghệ, một mặt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, các rối loạn về mắt như cận thị, ảnh hưởng về vận động như chậm đi, kém linh hoạt, béo phì…

Các ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức như rối loạn về ngôn ngữ, chậm nói, nói lắp, đây cũng là một trong những triệu chứng của hội chứng tự kỷ. Trẻ trở nên kém tập trung, kém chú ý, lười tư duy, dẫn tới thất bại trong học tập hay những công việc đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ.

Nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với các trò chơi độc hại mang tính bạo lực, trẻ sẽ có thể nhiễm các hành vi bạo lực. Thực tế, hiện tượng trẻ ở lứa tuổi vị thành niên mắc chứng nghiện game đang dần trở nên phổ biến, trẻ sống khép mình và chỉ quan tâm tới thế giới ảo. Từ môi trường ảo, trẻ có thể bị rối nhiễu về cảm xúc, trầm cảm, nếu không được đáp ứng nhu cầu chơi game thì trẻ trở nên hung hăng, dùng bạo lực để chống đối lại người thân và những người khác trong xã hội.

Việc lạm dụng các sản phẩm công nghệ có thể gây nên những ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng ở trẻ, sự trưởng thành ở trẻ sẽ bị lệch lạc, trẻ bị đẩy vào thế cô lập với xã hội xung quanh gây ra những tâm lý nặng nề.

Ths, Bs Thân Thái Phong, Bệnh viện tâm thần Trung ương cho biết: “Nếu người lớn cho trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính cầm tay quá nhiều sẽ rất không tốt đối với tâm lý và sức khỏe của trẻ. Trẻ nhỏ từ 3 chưa có khả năng nhận thức được vấn đề, những chuyển động trên màn hình đã thu hút trẻ theo dõi, nếu thường xuyên cho trẻ chơi các thiết bị điện tử trẻ sẽ quen được nhìn các màn hình điện tử và nhìn lâu sẽ dẫn tới nhiều tác hại khác. Ngoài ra, khi bị ngăn cấm, trẻ sẽ có nhiều biểu hiện như cáu kỉnh, phản ứng lại đối với người lớn, từ đó ảnh hưởng lớn tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ”.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ em dưới 6 tuổi nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, các loại máy tính điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động… Ở độ tuổi nhỏ, các giác quan của trẻ cần được phát triển một cách toàn diện, các sản phẩm công nghệ thường chỉ đáp ứng thị giác và thính giác, các giác quan khác của trẻ gần như không có cơ hội phát triển. Trẻ cần tiếp xúc với con người thật, thiên nhiên thật mới được cọ xát để trưởng thành, do đó thiết bị điện tử tiện ích thế nào cũng không thể thay cha mẹ day dỗ trẻ cách giao tiếp, kỹ năng sống… cho trẻ.

‘ Trẻ em rất cần được phát triển toàn diện các giác quan và kỹ năng sống. (Ảnh minh họa)

Các bậc cha mẹ nên dành thời gian đưa trẻ ra ngoài, dạy trẻ quan sát và giúp trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng.

Theo các chuyên gia tư vấn, trẻ nhỏ cần được tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, các chương trình ngoại khóa như tham qua, du lịch hay các hoạt động nghệ thuật như học đàn, học vẽ… Những hoạt động bổ ích này sẽ giúp trẻ hoạt động một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ nâng cao thể lực, giải trí lành mạnh. Ngoài ra, những hoạt động tập thể còn giúp trẻ hòa đồng với bạn bè, yêu thương con người.

Để tìm hiểu thêm về tác hại của các thiết bị điện tử đối với trẻ em, mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình Sống khỏe mỗi ngày TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục