Thiếu thuốc được BHYT hỗ trợ thanh toán, nhiều bệnh nhân ung thư phổi bỏ điều trị

Lê Thạch, icon
05:55 ngày 09/05/2019

VTV.vn - Với khoản tiền chênh lệch phải chi trả lên đến cả trăm triệu đồng, nhiều bệnh nhân ung thư phổi không đủ chi phí để mua thuốc và phải dừng điều trị.

Khoa Dược, Bệnh viện K chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân điều trị.

Trao đổi với phóng viên Y tế 24h chiều nay, đại diện Bệnh viện K trung ương xác nhận đang xảy ra tình trạng này. Cụ thể: thuốc điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 Gieneric được BHYT hỗ trợ thanh toán bị thiếu khoảng gần 1 tháng nay. Do Generic nằm trong danh mục đấu thầu tập trung quốc gia nên bệnh viện phải chờ phía nhà thầu cung ứng. 

Theo ghi nhận, tại Khoa Nội 2, Bệnh viện K, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân ung thư phổi. Và có khoảng 2 bệnh nhân bỏ điều trị mỗi ngày với lý do được cho là do không đủ khả năng tự mua thuốc. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả.

Ths. Dược sĩ Phùng Quang Toàn, Phó Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Hiện tại, bệnh viện chỉ còn thuốc gốc biệt dược - tức là thuốc  Alimta. Nhưng vì thuốc này có giá thành quá đắt, khoảng hơn 24 triệu đối với 1 lọ 500mlg mà bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50% cho bệnh nhân điều trị. Do đó, nhiều bệnh nhân không đủ tiền để chi trả 50% còn lại đối với thuốc gốc biệt dược này vì nó quá đắt. Trong khi thuốc Generic rẻ hơn thì không còn".

Trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800mg/chu kỳ. Nếu sử dụng điều trị bằng thuốc gốc biệt dược thì bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền là khoảng 20.000.000đ/chu kỳ x 6 chu kỳ = 120.000.000 đồng. Còn nếu điều trị bằng thuốc Generic bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền là 2.600.000 đồng/chu kỳ x 6 chu kỳ = 15.600.000 đồng. Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng thuốc gốc biệt dược và thuốc generic lên tới khoảng 104.400.000 đồng.

Lý giải thêm về vấn đề này, Bệnh viện K cho biết: việc thiếu hụt nguồn thuốc liên quan đến các thủ tục đấu thầu đang bị chậm so với kế hoạch. Do có nhu cầu sử dụng ngay, các bệnh viện đã liên lạc với nhà thầu để lên kế hoạch nhập hàng nhưng hiện các nhà thầu thông báo: chỉ có thể cung ứng hàng sau 2 - 4 tháng nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục