Thừa cân, béo phì: Cảnh báo từ các chuyên gia dinh dưỡng

Theo VOV, icon
06:40 ngày 24/10/2017

Thừa cân béo phì là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, tim mạch, ung thư...

Tình trạng thừa cân, béo phì đã và đang trở thành nguy cơ của sức khỏe. Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tình trạng này đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là ở trẻ em.

Đa số khẩu phần của trẻ em học đường chưa đáp ứng nhu cầu 

Tại hội thảo “Phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em: Lời cảnh báo của chuyên gia”, do Hội Dinh dưỡng quốc gia tổ chức ngày 18/10, GS.TS Lê Thị Hợp cho biết, béo phì ở trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...

Thừa cân, béo phì: Cảnh báo từ các chuyên gia dinh dưỡng - Ảnh 1.

Người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ béo phì. (ảnh: minh họa)

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tại TPHCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên đến 11,5% (năm 2013). Tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

BS Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, đa số khẩu phần năng lượng và một số vi chất dành cho trẻ em học đường nói chung, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo khuyến nghị 2016 của Viện Dinh dưỡng. Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác trên học sinh một số trường tiểu học ở Hải Phòng cho thấy, việc tiêu thụ nước giải khát 1 - 3 lần/ngày làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ lên khoảng từ 2 - 6 lần. Tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường hàng ngày làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 2 lần”.

Thừa cân, béo phì đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, tim mạch, ung thư... Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ này.

Từ thực tế này, các chuyên gia khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu cho bản thân. Thời gian ngủ: từ 0-5 tuổi (11giờ/ngày); từ 5-10 tuổi (10 giờ/ngày); trên 10 tuổi (9 giờ/ngày). Làm thế thế nào để hạn chế thừa cân, béo phì? Theo BS Lưu Thị Mỹ Thục (Bệnh viện Nhi Trung ương): Một trong những biện pháp tốt nhất để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày), giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trước đây, đất nước ta còn nghèo, thiếu ăn, người suy dinh dưỡng rất nhiều. Vì vậy, người dân luôn cho rằng, cứ béo tốt là béo khỏe, béo đẹp nên ai cũng thích béo, càng béo càng thích”. “Có một vấn đề liên quan đến văn hóa của người Việt là vấn đề ăn, cái gì cũng ăn. Văn hoá này xuất hiện ngay cả trong danh từ, bao giờ người ta cũng đệm từ “ăn” ghép vào một từ khác, như “ăn mặc”, “ăn uống”, “ăn nằm”, “ăn ở”, “ăn chơi”,…Do vậy, khi nền kinh tế chuyển từ nghèo đói sang khá giả hơn thì chính chúng ta cũng chưa biết cách hãm cái “ăn” lại”.

Ăn hôm nay, mấy chục năm sau mới biết ăn đúng, ăn sai

TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam khẳng định, béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não, chứng ngưng thở khi ngủ,…

Thừa cân, béo phì: Cảnh báo từ các chuyên gia dinh dưỡng - Ảnh 2.

TS Từ Ngữ

TS Ngữ cho rằng, việc ăn hôm nay không phải ngày hôm nay hoặc ngày mai đã biết hậu quả mà có khi phải hàng chục năm sau mới biết rõ hậu quả, tác động của nó đến sức khỏe. Theo TS Từ Ngữ, chìa khóa quan trọng là phải hoạt động. Vì vậy, ngoài chế độ ăn uống thì việc luyện tập thể thao sẽ giúp cho chúng ta có một cơ thể đạt khối lượng tiêu chuẩn, không gầy cũng không béo.


TS Ngữ nhấn mạnh: “Dinh dưỡng của chúng ta hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Đó chính là vấn đề ăn uống, bởi vì bữa ăn là để cung cấp các chất dinh dưỡng. Ở Mỹ có viên vitamin tổng hợp one-a-day, người ta cứ tưởng mỗi ngày chỉ cần uống 1 viên vitamin này là đủ, nhưng thực tế chứng minh là không hề tốt cho sức khỏe”. Theo TS Ngữ, bữa ăn rất quan trọng, nhưng tại sao bữa ăn của chúng ta hiện nay lại là nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì? Đó là vì các loại thực phẩm công nghiệp, các bữa ăn công nghiệp. Mặc dù thức ăn đã thừa, ăn đã nhiều, nhưng quan trọng là mọi người không biết cách ăn sao cho đúng.

TS Từ Ngữ chia sẻ: “Tôi chủ yếu ăn cơm ở nhà, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Bữa ăn, tôi thường ăn rau trước, vì nếu ăn rau trước thì sẽ hạn chế ăn thêm các món khác”./.

TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam): 

“Ở 8 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó.

Mục tiêu của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là khống chế tỷ lệ trẻ béo phì dưới 5% và không có tỉnh nào vượt quá 10%, nhưng đến thời điểm này, mục tiêu đó đã bị phá vỡ.

Ở TPHCM, các kết quả của nhiều nghiên cứu đều chỉ ra số lượng trẻ em thừa cân, béo phì đã vượt xa số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng. Nghiêm trọng nhất là xu hướng tăng tỷ lệ thừa cân ở Việt Nam là rất nhanh.

Có thể nói, trẻ thừa cân, béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay, chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự gia tăng của tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì”.

Cùng chuyên mục