Thực phẩm siêu chế biến có hại đến mức nào?

Song Anh (Theo nytimes), icon
06:22 ngày 04/07/2024

VTV.vn - Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến (UPF) và một loạt tình trạng sức khỏe: bệnh tim, tiểu đường , béo phì, bệnh đường tiêu hóa...

Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến (UPF) và một loạt tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh tim, tiểu đường Loại 2, béo phì, bệnh đường tiêu hóa, trầm cảm và tử vong sớm. Vậy, thực phẩm siêu chế biến là gì? Bằng chứng cho thấy chúng có hại mạnh đến mức nào?

Thực phẩm siêu chế biến có hại đến mức nào? - Ảnh 1.

Thực phẩm siêu chế biến là gì?

Để nghiên cứu thực phẩm dựa trên cách chúng được chế biến, Tiến sĩ Monteiro và các đồng nghiệp của ông đã phát triển một hệ thống phân loại thực phẩm có tên là Nova. Khái niệm này đã được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới áp dụng. Hệ thống Nova phân loại thực phẩm thành bốn loại:

- Thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu: trái cây và rau quả tươi hoặc đông lạnh, đậu, đậu lăng, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, sữa, sữa chua nguyên chất, gạo, mì ống, bột ngô, bột mì, cà phê, trà, thảo mộc và gia vị.

- Nguyên liệu ẩm thực đã qua chế biến: dầu ăn, bơ, đường, mật ong, dấm và muối.

- Thực phẩm đã qua chế biến: Được làm bằng cách kết hợp thực phẩm loại 1 với các thành phần của loại 2 và bảo quản hoặc biến đổi chúng bằng các phương pháp tương đối đơn giản như đóng hộp, đóng chai, lên men và nướng. Nhóm này bao gồm bánh mì mới nướng, hầu hết các loại pho mát và rau đóng hộp, đậu và cá. Những thực phẩm này có thể chứa chất bảo quản giúp kéo dài thời hạn sử dụng.

Thực phẩm siêu chế biến có hại đến mức nào? - Ảnh 2.

- Thực phẩm siêu chế biến: Được làm bằng các phương pháp và nguyên liệu công nghiệp mà bạn thường không tìm thấy ở các cửa hàng tạp hóa. Chúng thường chứa các chất phụ gia như hương liệu, chất tạo màu hoặc chất nhũ hóa để trông hấp dẫn và ngon miệng hơn. Nhóm này gồm nước ngọt và nước tăng lực, khoai tây chiên, kẹo, sữa chua có hương vị, bơ thực vật, gà viên, xúc xích, thịt nguội, mì ống và pho mát đóng hộp, sữa bột cho trẻ sơ sinh và hầu hết các loại bánh mì đóng gói, sữa thực vật, sản phẩm thay thế thịt và ngũ cốc ăn sáng.

Đáng chú ý là hệ thống Nova không phân loại thực phẩm dựa trên các chất dinh dưỡng như chất béo, chất xơ, vitamin hoặc khoáng chất. Điều đó đã dẫn đến cuộc tranh luận giữa các chuyên gia dinh dưỡng về việc liệu nó có hữu ích khi mô tả tính lành mạnh của thực phẩm hay không, một phần vì nhiều UPF - như bánh mì nguyên hạt, sữa chua có hương vị và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh - có thể cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị.

Thực phẩm siêu chế biến có hại không?

Trong một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo rằng việc tiêu thụ UPF có liên quan đến 32 vấn đề sức khỏe, với bằng chứng thuyết phục nhất về các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh tim, tiểu đường type 2 và các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến như lo lắng và trầm cảm.

Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019, người ta mời 20 người trưởng thành với nhiều kích cỡ cơ thể khác nhau đến sống trong Bệnh viện Nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia trong bốn tuần. Trong hai tuần, họ ăn chủ yếu là thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến tối thiểu, và trong hai tuần nữa, họ ăn chủ yếu là thực phẩm chứa UPF. Các chế độ ăn kiêng có lượng calo và chất dinh dưỡng tương tự nhau, và những người tham gia có thể ăn bao nhiêu tùy thích trong mỗi bữa ăn.

Trong hai tuần áp dụng chế độ ăn kiêng siêu chế biến, những người tham gia đã tăng trung bình 1kg và tiêu thụ nhiều hơn khoảng 500 calo mỗi ngày so với chế độ ăn kiêng chưa qua chế biến. Trong thời gian áp dụng chế độ ăn kiêng chưa qua chế biến, họ đã giảm được khoảng 1kg.

Thực phẩm siêu chế biến có hại đến mức nào? - Ảnh 3.

Nên rèn cho trẻ nhỏ thói quen hạn chế ăn thực phẩm siêu chế biến

Tại sao thực phẩm siêu chế biến có thể gây hại?

Yếu tố đầu tiên cần nói tới là UPF thường rẻ, tiện lợi và dễ tiếp cận nên người tiêu dùng thường ưu tiên nó để thay thế các thực phẩm lành mạnh hơn khỏi chế độ ăn. Còn các nhà khoa học lại cho rằng, những loại thực phẩm siêu chế biến có tác động trực tiếp đến sức khỏe. Chúng ta có nguy cơ ăn chúng quá nhiều vì chúng chứa sự kết hợp khó cưỡng của carbohydrate, đường, chất béo và muối, có hàm lượng calo cao và dễ nhai. Hậu quả là lượng đường trong máu tăng đột biến có thể làm hỏng động mạch hoặc làm tăng tình trạng viêm nhiễm. Một số chất phụ gia hoặc hóa chất thực phẩm nhất định có thể cản trở hormone hoặc phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, UPF gây hại theo nhiều cách khác nhau.

Thực phẩm siêu chế biến có hại đến mức nào? - Ảnh 4.

Chúng ta nên làm gì với thực phẩm siêu chế biến?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cách an toàn nhất là tránh xa UPF - chẳng hạn như đổi sữa chua có hương vị lấy sữa chua nguyên chất với trái cây hoặc mua một ổ bánh mì tươi từ một tiệm bánh địa phương thay vì bánh mì đóng gói.

Hoặc bạn có thể theo đuổi một chiến lược ôn hòa hơn: tập trung vào việc hạn chế các UPF không cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị, như soda và bánh quy. Cô cũng khuyên nên ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt.

Hãy nấu ăn ở nhà nhiều nhất có thể, sử dụng thực phẩm được chế biến ở mức tối thiểu, nói "không" với thực phẩm siêu chế biến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục