Thuốc lá giá rẻ là thách thức cho cai nghiện thuốc lá

P.V, icon
01:33 ngày 24/03/2021

VTV.vn - Tại Việt Nam, hơn 75% các ca tử vong hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân chính.

Cai nghiện thuốc lá như thế nào, đâu là rào cản đối với việc cai nghiện thuốc lá là một trong những nội dung tại Hôi thảo chia sẻ kinh nghiệm và định hướng kế hoạch hoạt động về tổ chức cai nghiện thuốc lá giai đoạn 2021-2022 do Bộ Y tế, Quỹ Phòng Chống tác hại thuốc lá tổ chức ngày 23/3.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Cục Trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: Giá thuốc lá còn rẻ, dễ mua, chế tài xử phạt nhẹ, lực lượng thanh tra, xử phạt mỏng....đang là những thách thức đối với công cuộc cai nghiện thuốc lá ở Việt Nam. Trong khi đó thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh không lây nhiễm, các bệnh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện có nhiều phương pháp và bài thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, tuy nhiên ý chí của người hút thuốc là quan trọng nhất. Do đó, ngoài các giải pháp về thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, tăng thuế, xử phạt... phải có các giải pháp để thay đổi hành vi cai nghiện thuốc lá như liệu pháp tâm lý; lời khuyên, các giải pháp công nghệ... để hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

Theo điều tra GATS 2015, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam hiện vẫn khá cao với 45,3% ở nam giới và 1,1 % ở nữ là. Trong đó, 53,6% những người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá và 39,6% đã có nỗ lực bỏ thuốc lá trong 12 tháng qua.

Trước thực trạng đó, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc lá, bên cạnh việc truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc, một trong những phương pháp được chứng minh có hiệu quả là cai nghiện thuốc lá. Người hút thuốc lá cai nghiện càng sớm thì lợi ích đạt được về sức khỏe càng cao, đồng thời giảm thiểu được các gánh nặng về bệnh tật, kinh tế, xã hội. Do đó, việc tổ chức dịch vụ cai nghiện thuốc lá đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết được triển khai đồng bộ.

Nhằm hướng tới mục tiêu giảm 1/3 tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm đến năm 2030, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam. Qua gần 6 năm triển khai, với sự đồng hành của các bệnh viện, các đơn vị và các tổ chức, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận: hành lang pháp lý và văn bản hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, các hướng dẫn chuyên môn về tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá; triển khai mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Báo cáo của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: Từ năm 2017 - 2020, đã có trên 100.244 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại các bệnh viện, trong đó có gần 7.000 lượt bệnh nhân tư vấn chuyên sâu; trên 5.200 số bệnh nhân có hồ sơ theo dõi; 727 bệnh nhân cai nghiện thành công.

Kết quả tư vấn qua tổng đài từ năm 2015 - 2020 có trên 81.000 cuộc gọi, trong đó có trên ½ số cuộc gọi được tư vấn và có hồ sơ theo dõi cai nghiện. Trong số này có 1.111 bệnh nhân cai nghiện thành công trong hơn 1 năm.

Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá còn hạn chế, các cơ sở y tế tại các tuyến tỉnh, huyện, xã chưa thực sự quan tâm và chủ động triển khai tư vấn cai nghiện, thiếu các thuốc thiết yếu trong điều trị cai nghiện thuốc lá, một số mô hình mới triển khai ở giai đoạn thí điểm... Ngoài ra, sự xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử) được ngành công nghiệp thuốc lá quảng cáo với thông tin sai sự thật và gây nhầm lẫn cho người sử dụng rằng các sản phẩm thuốc lá mới giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống đã gây ra không ít khó khăn cho công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá.

TS. Nguyễn Tiến Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo cai thuốc lá của WHO, trong đó lời khuyên cai thuốc lá phải được đưa vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; công nhận hỗ trợ cai thuốc lá là một thành phần thiết yếu của bao phủ y tế toàn dân. Đối với Việt Nam, WHO khuyến cáo cần đưa số tư vấn lên vỏ bao thuốc lá; tăng cường truyền thông về đường dây tư vấn. Tăng nhu cầu qua các biện pháp như thay đổi hình ảnh cảnh báo, tăng thuế thuốc lá, tăng cường thực thi không khói thuốc. Tăng cường nâng cao năng lực tư vấn của đường dây tư vấn chủ động và giới thiệu với tư vấn chuyên sâu, đánh giá hiệu quả….

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục