Tiềm năng phát triển vaccine từ nước bọt muỗi

Nhật Anh, icon
10:05 ngày 16/06/2020

VTV.vn - Các nhà khoa học Mỹ cho rằng có thể sử dụng protein từ nước bọt của muỗi để tạo vaccine phòng các bệnh do loài côn trùng này gây ra.

Hãng thông tấn Reuters cho biết: Nếu được phát triển, vaccine này có thể phòng mọi mầm bệnh muỗi "tiêm" vào con người như sốt rét, sốt vàng da, zika, chikungunya, sốt Tây sông Nile, virus Mayaro và nhiều bệnh khác.

Theo các nhà khoa học tại Viện Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, tất cả những vaccine dành cho con người hiện nay chỉ nhắm đến mầm bệnh. Trong khi đó, ý tưởng hiện tại là "huấn luyện" hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra protein nước bọt của muỗi và phản ứng làm yếu đi hoặc ngăn chặn lây nhiễm.

Kết quả ban đầu được đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy: Lần đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vaccine từ nước bọt muỗi trên 49 tình nguyện viên đã kích hoạt kháng thể. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều thử nghiệm để xác định hiệu quả từ vaccine nước bọt muỗi.

Nếu thành công, vaccine này có thể bảo vệ con người khỏi bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, sốt zika, sốt vàng da và nhiều bệnh khác. Trong đó, chỉ riêng sốt rét đã khiến 400.000 người chết mỗi năm. Trường hợp tử vong thường xảy ra ở những nước nghèo không nhận đủ hỗ trợ vốn và nghiên cứu vaccine.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy: vaccine từ nước bọt của ruồi cát giảm thương tổn của bệnh leishmaniasis. Nghiên cứu trên chuột trong năm 2018 cho thấy nước bọt muỗi Anopheles giúp phòng sốt rét. Một nghiên cứu khác trên chuột trong năm 2019 cho thấy nước bọt muỗi Aedes cải thiện khả năng kháng virus zika.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục