Tiền Giang: Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm để kiểm soát dịch bệnh

Tin, ảnh: Trung Sơn, icon
05:44 ngày 22/08/2021

VTV.vn - UBND các cấp, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm để sớm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trước ngày 30/8.

Một chốt chặn kiểm soát tại Phường 3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Siết chặt hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ nay đến ngày 30/8

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch có hiệu quả thực chất từ này đến ngày 30/8, Tỉnh Tiền Giang, phải tiếp tục củng cố và tổ chức tốt hoạt động của các chốt, trạm, đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để người không đúng điều kiện đi qua chốt.

Kiểm soát chặt chẽ đối với người ngoài tỉnh vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các khu vực đường mòn, lối mở, khu vực giáp ranh với các tỉnh có nguy cơ rất cao; kịp thời động viên, bổ sung lực lượng ngoài Công an, Quân đội tham gia trực tại các chốt để đảm bảo sức khỏe cho các lực lượng làm nhiệm vụ.

Siết chặt giãn cách xã hội tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm: Tầm soát diện rộng để tách F0 khỏi cộng đồng và nâng cao công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm bệnh nhân nặng tử vong.

Tiền Giang: Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm để kiểm soát dịch bệnh - Ảnh 1.

Điểm lấy mẫu xét nghiệm tại Xã Long Khánh, Huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Tiếp tục tầm soát diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng

Ngày 20/8, Tiền Giang đã thực hiện được 50.658 mẫu gộp test nhanh, trong đó 99 mẫu gộp dương tính (giảm 111 mẫu so với ngày 19/8), tổng số ca F0 ghi nhận đến nay là 7.699 ca, số ca nhiễm mới tăng nhanh trong thời gian qua khi Đoàn công tác Bộ Y tế cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh triển khai công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Để đảm bảo tầm soát hết các F0, công tác xét nghiệm, sàng lọc người nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cần phải được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn nữa.

Khi phát hiện F0, phải xử lý ngay theo quy định trong thời gian chờ kết quả khẳng định Realtime RT-PCR, ổn định tâm lý, không tạo sự hoang mang, lo lắng cho người dân; đồng thời, phải thực hiện ngay việc điều tra, truy vết F1 trong cộng đồng để đảm bảo hiệu quả của việc tầm soát.

Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Giữ khoảng cách giữa người với người và thực hiện tốt yêu cầu 5K trong quá trình lấy mẫu. Nhân viên y tế phải thay găng tay thường xuyên, sát khuẩn găng tay đúng quy định, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người đến lấy mẫu.

Phân công lực lượng nắm danh sách các hộ dân, rà soát kỹ từng nhà, từng người, vận động tuyên truyền người dân thực hiện việc lấy mẫu đúng quy định, nhất là ở lần 2, lần 3. Tầm soát đến đâu, giữ sạch đến đó để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tầm soát.

Căn cứ theo quyết định 2686/QĐ-BCĐQG đánh giá mức độ nguy cơ, tiếp tục triển khai Chiến dịch phong tỏa, xét nghiệm của TP. Mỹ Tho, đặc biệt tại khu vực III - khu vực nguy cơ và bình thường mới.

Tiền Giang: Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm để kiểm soát dịch bệnh - Ảnh 2.

Các y, bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Tiền Giang đang theo dõi quá trình chăm sóc bệnh nhân qua camera.

Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, giảm bệnh nhân nặng tử vong

Hiện nay, số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến thuộc các tầng điều trị trên địa bàn Tiền Giang là 3.838 ca (49,9%), số trường hợp bệnh nặng: 146 ca (1,9%) và số trường hợp bệnh rất nặng: 51 ca (0,7%).

Với số ca nhiễm mới đang tăng, nhiều ca bệnh trở nặng, công tác phát hiện sớm các ca F0 trong cộng đồng để điều trị là yếu tố then chốt đảm bảo giảm số ca bệnh tử vong. Muốn giảm các trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng cần sàng lọc cộng đồng thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm; làm tốt công tác phát hiện sớm ca nghi nhiễm trong cộng đồng.

Muốn giảm tỷ lệ tử vong tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 cần phải phân tầng điều trị ca F0, quản lý, điều trị người nhiễm (F0) tại cơ sở điều trị; tổ chức "bệnh viện tách đôi"; dự báo số lượng bệnh nhân (F0) ở tầng 1, 2 và 3 sau khi sàng lọc cộng đồng; bố trí đủ các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và số giường điều trị F0; có kế hoạch nâng giường bệnh điều trị và bổ sung nhân lực, trang thiết bị, tiêu chí phân loại nguy cơ và xử trí bệnh nhân COVID-19; tập huấn nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19; nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung, mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết tại các tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19; thực hiện tốt công tác điều phối nhập viện điều trị và chuyển tuyến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục