Tô mộc - vị thuốc tốt cho phụ nữ

Nguyễn Liên, icon
05:35 ngày 15/12/2018

VTV.vn - Chữa đau bụng kinh, ra nhiều máu, đau bụng từng cơn sau khi sinh đẻ hay bệnh viêm âm đạo ở nữ giới là những công dụng rất hữu ích của tô mộc.

Cây tô mộc (Hình minh họa: wikipedia.org)

Theo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, tô mộc còn có tên là cây gỗ vang, cây vang nhuộm hay cây tô phượng. Cây tô mộc cao từ 7 đên 10m, thân có gai.

Vị thuốc tô mộc là phần lõi gỗ của cây tô mộc. Người ta thường chặt những cây già, đẽo bỏ vỏ (phần giác trắng), lấy phần gỗ bên trong, cưa thành khúc và chẻ thành từng thanh nhỏ theo quy cách, sau đó phơi hoặc sấy khô. Trong Đông y, tô mộc có vị đắng, chát, hơi ngọt, mặn, tính bình, vào ba kinh tâm, can, kỳ có tác dụng hành huyết, thông kinh, giảm đau, tán ứ, tiêu sưng.

Tô mộc được xem là vị thuốc rất hữu ích đối với phụ nữ khi có thể chữa đau bụng do kinh nguyệt bế, sau khi đẻ huyết ứ trướng đau, chấn thương, ứ huyết, choáng váng, hoa mắt và mất máu quá nhiều sau khi đẻ. Ngoài ra, tô mộc còn được dùng để chữa lỵ ra máu, đau ruột, chảy máu ruột, tiêu chảy do nhiễm trùng hay chứng xích bạch đới.  Phương thức dùng là sắc thuốc hoặc hoàn tán với liều dùng từ 6 đến 15g một ngày. Tô mộc có thể dùng riêng và cũng có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Cũng có thể chế cao lỏng và làm thuốc bôi ngoài. Nước sắc đặc tô mộc còn có thể được dùng để rửa vết thương.

Tô mộc được khuyến cáo nên kiêng kỵ với phụ nữ có thai, huyết hư không ứ trệ.

Tô mộc - vị thuốc tốt cho phụ nữ - Ảnh 1.

Vị thuốc tô mộc (Hình minh họa: easyayurveda.com)

Một số bài thuốc có tô mộc trong y học cổ truyền:

- Chữa đau bụng kinh, bế kinh (4 bài thuốc):

  + Tô mộc, rễ bưởi bung, rễ bướm bạc mỗi vị 12g; rễ thiên niên kiện, rễ sim rừng mỗi vị 8g. Tất cả sắc uống.

  + Tô mộc 40g, trạch lan 20g, hương phụ 12g. Sắc chia làm 2 lần, uống trong ngày.

  + Tô mộc, hống hoa, nghệ vàng, nghệ đen, nhục quế mỗi vị 10g. Tất cả sắc uống.

  + Tô mộc 12g, củ ấu, ích mẫu, nghệ xanh mỗi vị 16g; ngưu tất 12g (hay cỏ xước 20g), chỉ xác, lá mần tưới mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang (uống từ 3 đến 5 thang trong một tháng.)

- Chữa phụ nữ ra nhiều máu sau khi sinh con: Tô mộc 12g sắc với 200ml nước đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

- Chữa phụ nữ đau bụng từng cơn sau khi sinh con: Tô mộc 10g, sơn tra 10g, đương quy thân (phần ở giữa cua cây đương quy) 10g, ngũ linh chi 8g, huyền hồ sách 6g, hồng hoa 3g. Sắc chia làm 3 lần uống trong ngày.

- Chữa viêm âm đạo: Tô mộc chẻ nhỏ, nấu thành cao đặc. Đun nóng glycerin rồi cho cao khuấy tan với tỷ lệ 10%, có pH = 6. Thụt âm đạo và tẩm một thìa cà phê thuốc vào một bấc, bôi và đặt vào âm đạo, Sau từ 6 đến 8 giờ, rút bấc ra.

- Chữa thai chết trong bụng: Tô mộc, rễ gấc, hồng hoa, cỏ nụ áo, vỏ cây vông đồng, lá đào, cỏ xước mỗi vị 10g. Sắc rồi chế thêm đồng tiện (nước tiểu trẻ em) vào mà uống.

- Chữa lỵ ra máu, đại tiện xối ra nước không dứt: Tô mộc chẻ nhỏ lá cây phèn đen mỗi vị 20g sắc uống.

- Chữa tiểu ra chất trắng đục: Tô mộc, mộc thông, cây gai kim mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.

- Chữa chứng sưng dương vật ở nam giới: Tô mộc 10g, sắc với rượu. Uống hàng ngày.

- Bài thuốc tiêu viêm hỗ trợ điều trị gãy xương: Tô mộc 10g; lá móng tay, ngải cứu, huyết giác mỗi vị 12g cùng 8g nghệ. Uống thuốc sắc hay nấu thành cao để uống trong ngày.

- Chữa liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do sang chấn: Tô mộc 8g; đan sâm, xuyên khung, ngưu tất mỗi vị 12g, uất kim 8g, chỉ xác, trần bì, hương phụ mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục