TP.HCM: Các bệnh truyền nhiễm giảm nhanh nhưng không nên chủ quan

P.V, icon
06:02 ngày 27/12/2019

VTV.vn - Trong tháng 11 và những tuần đầu tháng 12, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng... đều giảm rõ rệt.

Số ca bệnh sốt xuất huyết trong tháng 11 là 6.973 trường hợp, giảm 5,8% so với tháng 10 năm 2019 và giảm 21% so với tháng 11 năm 2018. 

Số ca bệnh tay chân miệng cũng giảm mạnh với 3.566 ca, giảm 46% so với tháng 10 trước và giảm 28% so với tháng 11 năm 2018. 

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại thành phố từ nhiều năm qua của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ khoảng tháng 12 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau là thời gian xuất hiện nhiều ca bệnh truyền nhiễm có biểu hiện đường hô hấp như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella… Bệnh có thể xuất hiện rải rác trong cộng đông nhưng cũng có thể gây nên các chùm ca bệnh trong các tập thể đông người như trường học, xưởng sản xuất, văn phòng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tự khỏi nhưng cũng có thể có biến chứng nặng trên một số cơ địa bệnh mạn tính, có thai, trẻ quá nhỏ hoặc người già.

Để chủ động kiểm soát bệnh trong mùa đông xuân này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các trung tâm y tế quận, huyện chủ động phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và trong các tập thể đông người. Đồng thời, khuyến cáo người dân:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng - mũi khi ho hắt hơi và rửa sạch tay ngay sau đó.

- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như: Cúm, sởi, rubella, ho gà…).

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Nếu buộc phải tiếp xúc thì cần mang khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc.

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vận động, tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời. Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế về thời gian và biện pháp cách ly để hạn chế lây bệnh cho người khác. Đối với người bệnh là học sinh hoặc đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức cần nghỉ học, nghỉ làm hết thời gian quy định đồng thời thông báo tình trạng bệnh cho cơ quan, tổ chức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục