Trẻ chậm nói, nói ngọng, phát âm sai do dính phanh lưỡi

P.V, icon
03:43 ngày 18/11/2021

VTV.vn - Bệnh dính phanh lưỡi hay còn gọi là phanh lưỡi bám thấp là dị tật bẩm sinh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận và điều trị 28 trẻ có phanh lưỡi bám thấp. Số trường hợp trẻ có phanh lưỡi bám thấp nhập viện điều trị tăng hơn so với cùng kỳ những năm trước.

Cuối tháng 4 năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật dính phanh lưỡi cho bé trai 3 tuổi (trú tại TP. Bắc Giang) phát hiện trễ, ảnh hưởng lớn đến chức năng nói. Bé được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám với dấu hiệu phát âm khó khăn, nói ngọng.

Kiểm tra cho bệnh nhân bác sĩ phát hiện bé dính phanh lưỡi và chỉ định phẫu thuật cắt phanh lưỡi. 1 ngày sau phẫu thuật, bé ổn định và được ra viện.

Theo các bác sĩ, đối với trẻ sơ sinh, phanh lưỡi bám thấp cản trở vận động lưỡi, khiến trẻ bú khó, nuốt rất khó. Ở trẻ vào độ tuổi tập nói, dị tật này khiến trẻ chậm nói, nói ngọng và phát âm sai một số từ.

Ngoài ra, phanh lưỡi bám thấp còn có thể gây một số bất thường trong quá trình mọc răng hàm dưới và sự phát triển của xương hàm. Nếu không được phát hiện điều trị kịp thời, dị tật này ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Thông thường, chỉ định cắt phanh lưỡi phụ thuộc vào mức độ bị dính nhiều hay ít và mức độ ảnh hưởng đến cử động lưỡi, quá trình phát âm, bú mẹ của trẻ. Việc điều trị phanh lưỡi bám thấp khá đơn giản, cắt phần phanh lưỡi bám dính khiến lưỡi cử động hạn chế. Thời gian phẫu thuật khoảng 10 đến 20 phút. Việc chăm sóc trẻ sau phẫu thuật khá đơn giản, trẻ có thể ăn uống và vệ sinh bình thường.

Dưới đây là những đặc điểm bác sĩ chỉ ra giúp phụ huynh nhận biết sớm tật dính phanh lưỡi ở trẻ:

Nếu đầu lưỡi trẻ không thể đưa ra chạm môi hoặc quá môi, hoặc không thể chạm tới vòm khẩu cái vì lưỡi của trẻ ngắn. Đầu lưỡi của trẻ vuông hoặc phẳng chứ không nhọn như trẻ khác.

Trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, khó nuốt. Trẻ bú rất lâu và khi bú thường phát ra tiếng kêu.

Khi trẻ khóc, đầu lưỡi có dạng trái tim do cử động bị giới hạn; Trẻ chậm nói, nói ngọng, phát âm sai một số từ; Răng cửa dưới của trẻ lệch lạc, hoặc có khe hở giữa các răng cửa dưới (hiếm gặp).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục