Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam

P.V, icon
09:03 ngày 04/05/2018

VTV.vn - Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Đây là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất ở nam giới và thứ hai ở nữ giới.

Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam đang trẻ hóa

Dạ dày là ống tiêu hóa lớn có nhiệm vụ chứa và tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn. Ung thư dạ dày bắt đầu từ sự phát triển bất thường của bất kì tế bào nào tại dạ dày. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau, phổ biến ở những người trên 40 tuổi nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa.

Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam đang trẻ hóa

Thống kê về số ca mắc bệnh ung thư dạ dày những năm gần đây cho thấy bệnh đang có tỷ lệ tăng nhanh chóng. Với đà tăng như hiện tại, ước tính đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng gần 27 nghìn nam giới mắc bệnh ung thư dạ dày và gần 13 nghìn nữ giới mắc căn bệnh ác tính này.

Khoảng 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP – yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Đây cũng là yếu tố hàng đầu tăng tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ nhưng có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn H.pylori (HP) sống trong dạ dày, dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày, sát cạnh các tế bào biểu mô. Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến các biến chứng như thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa làm tổn thương nghiêm trọng đến lớp lót dạ dày và chuyển thành ung thư.

Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam - Ảnh 2.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày

- Hút thuốc lá: Thuốc lá không chỉ là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi mà còn là yếu tố liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác, trong đó có ung thư dạ dày. Các nghiên cứu đã chỉ ra, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 40% so với những người bình thường. Ở những người nghiện thuốc lá nặng, nguy cơ mắc có thể tăng đến trên 80%.

- Uống nhiều rượu bia: Rượu bia không trực tiếp gây ung thư nhưng sự chuyển hóa cồn dưới tác dụng của một số loại enzyme khi rượu vào cơ thể có thể sản sinh ra chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

- Chế độ sinh hoạt không khoa học, ức chế căng thẳng thần kinh kéo dài: Lười vận động, tâm lý thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

- Tình trạng căng thẳng quá mức khiến cơ thể tiết ra hoóc môn ngăn chặn stress là cortisol tuy nhiên đây lại là yếu tố ngăn cản sự bài tiết những chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, cản trở sự miễn dịch đối với các mầm mống gây bệnh và tăng nguy cơ ung thư.

Tỷ lệ ung thư dạ dày ở Việt Nam - Ảnh 3.

Ung thư dạ dày có thể gặp ở mọi đối tượng khác nhau

- Béo phì: Một số nghiên cứu đã chỉ ra, những người thừa cân/ béo phì có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người duy trì cân nặng hợp lý.

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày: Khoảng 5 – 10% ca mắc ung thư dạ dày có liên quan đến yếu tố này. Theo đó, những người có người thân mắc ung thư dạ dày sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường….

Tỷ lệ ung thư dạ dày vẫn không ngừng tăng và không loại trừ bất cứ ai. Chính vì vậy, khám sức khỏe và sàng lọc ung thư định kì luôn được khuyến khích, đặc biệt là đối với những nhóm thuộc nguy cơ cao.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục