Việt Nam: 120.000 trường hợp tử vong/năm vì ung thư

Theo VOV, icon
06:00 ngày 16/05/2015

VTV.vn - Khoảng 108.000 trường hợp ung thư được phát hiện mới, trong đó một nửa số bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong thời gian ngắn.

Tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng và các chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam”.

Một trong những thông tin được nhiều người quan tâm là số người tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 75% số trường hợp tử vong trong cả nước.

Các báo cáo tại hội thảo cho biết, bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn và đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 2/3 số trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500.000 người tử vong, trong đó có tới 380.000 trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm, chiếm gần 75%. Riêng bệnh ung thư, mỗi năm nước ta có khoảng 120.000 trường hợp tử vong, đồng thời phát hiện mới 108.000 trường hợp mắc bệnh này, trong đó một nửa số bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong thời gian ngắn.

Giáo sư Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch cũng đang ở mức báo động: “Tại Việt Nam tỷ lệ dân số mắc bệnh cao huyết áp ngày càng tăng. Những năm 1960, tỷ lệ này là 1%, đến giai đoạn 1976-1990 là 11%, năm 2003 là 16,3% và 5 năm sau là 25%. Đây là yếu tố lớn nhất gây tử vong về tim mạch. Tử vong về tim mạch là tử vong lớn nhất so với số ca tử vong do các bệnh lý khác. Trong các yếu tố nguy cơ này thì chế độ ăn uống chiếm tới 40%”.

Mặc dù hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi được, khi đã bị là mắc suốt đời, nhưng có thể phòng, chống hiệu quả thông qua việc phòng tránh các yếu tố nguy cơ. Nếu kiểm soát được các yếu tố nguy cơ sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% các bệnh ung thư…

Thực tế tại nước Mỹ cho thấy, từ khi triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đã giảm được 2/3 số người chết vì bệnh tim mạch. Trong khi đó, việc điều trị kéo dài chỉ giảm được 1/3 số người tử vong.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tại các nước đang phát triển gấp 2 lần so với các nước phát triển. Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, 4 yếu tố nguy cơ phổ biến nhất dẫn đến các bệnh không lây nhiễm gồm: hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu-bia và chế độ ăn không hợp lý.

Chiến lược quốc gia phòng, chống các bệnh bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020 đã đề ra mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục