Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm

P.V, icon
12:58 ngày 17/06/2024

VTV.vn - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán hình ảnh Tim mạch học và can thiệp tim mạch 2024” do Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt vừa phối hợp tổ chức.

Một ca can thiệp tim mạch trực tiếp tại hội thảo.

Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán hình ảnh Tim mạch học và can thiệp tim mạch 2024” do Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt phối hợp với Phân hội tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức. Hội thảo tập trung vào các bệnh lý động mạch vành và bệnh tim cấu trúc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch tại các bệnh viện và phòng khám của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tham dự hội thảo có GS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Phân hội tim mạch học can thiệp Việt Nam, các bác sĩ, chuyên gia của Viện Tim mạch Việt Nam và hơn 70 bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc trong lĩnh vực can thiệp tim mạch và nội tim mạch tại tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang.

Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, cứ 10 người tử vong thì 3,3 ca tử vong do bệnh tim mạch tại Việt Nam và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng tại các nước đang phát triển, mang lại nhiều gánh nặng cho xã hội.

Các chuyên gia đánh giá, bệnh tim mạch ngày càng có xu hướng gia tăng. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Điều đáng báo động là tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là tử vong sớm do không được can thiệp kịp thời.

Trong thập kỷ vừa qua, những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực hình ảnh học đã phát triển như vũ bão cho phép chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh lý tim mạch. Chuyên ngành can thiệp tim mạch đã có những bước phát triển vượt bậc và hội nhập với khu vực và thế giới.

Tại Việt Nam, phòng tim mạch can thiệp đầu tiên được thành lập từ năm 1996, cho đến nay sau gần 30 năm hình thành và phát triển, trên cả nước đã có hơn 130 trung tâm tim mạch can thiệp. Theo khảo sát của Viện tim mạch Việt Nam, trong năm 2019 cả nước có khoảng 35.000 ca tim mạch can thiệp, tuy nhiên con số này so với dân số của Việt Nam là 100 triệu người vẫn còn khiêm tốn, vì vậy nhu cầu về tầm soát và phát hiện sớm các nguy cơ tim mạch là rất lớn.

GS.TS. Phạm Mạnh Hùng cho rằng, đây là cơ hội tốt để các chuyên gia tại Viện Tim mạch Việt Nam - những người đi đầu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp nói riêng và tim mạch nói chung chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật công nghệ và kỹ thuật mới trong can thiệp tim mạch cho các đồng nghiệp tại khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm - Ảnh 2.

Thầy thuốc nhân dân, BSCK1 Đặng Quang Thanh, Phó chủ tịch Công ty cổ phần Lạc Việt đã bày tỏ lời cảm ơn GS.TS Phạm Mạnh Hùng về sự quan tâm và chỉ đạo định hướng phát triển chuyên ngành tim mạch nói chung và tim mạch can thiệp nói riêng tại Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt. Ông cũng mong muốn Viện tim mạch Việt Nam sẽ hỗ trợ Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt trong công tác chuyên môn để bệnh viện có thể thực hiện các kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp, giúp cho người bệnh tại tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh xung quanh được chẩn đoán và điều trị nhanh hơn, tốt hơn.

Tại hội thảo, BSCKII. Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Trưởng phòng Can thiệp tim mạch, Viện Tim mạch Việt Nam đã báo cáo về những tiến bộ trong can thiệp động mạch vành và bệnh tim cấu trúc. Theo BSCKII. Nguyễn Hữu Tuấn, can thiệp tim mạch là thủ thuật được các bác sĩ thực hiện qua đường mạch máu bằng cách đưa các thiết bị thông lên mạch máu để điều chỉnh, sửa chữa các bệnh lý tim mạch như bệnh lý mạch vành, mạch máu ngoại vi, bệnh tim cấu trúc, mạch máu lớn và các rối loạn nhịp tim với sự hỗ trợ soi chiếu qua màn tăng sáng huỳnh quang, có chiếu tia X của hệ thống chụp mạch can thiệp.

BS. Nguyễn Hữu Tuấn cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp đồng bộ của "bộ ba": Nội khoa tim mạch - Tim mạch can thiệp - Ngoại khoa để mang lại chất lượng điều trị hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Cũng trong buổi hội thảo, TS.BS. Phan Tuấn Đạt, Tổng thư ký Phân hội tim mạch học can thiệp Việt Nam đã báo cáo về những tiến bộ của hình ảnh học trong tim mạch can thiệp và những cập nhật mới nhất tại hội nghị tim mạch can thiệp Châu Âu EuroPCR 2024; điểm qua những kỹ thuật vượt trội trong can thiệp mạch vành trên thế giới hiện nay như: Kỹ thuật chụp 360 độ CardiacSwing quay xung quanh người bệnh cho phép thu hình trọn vẹn nhánh vành trái hoặc phải trong 1 và lần phát tia 1 lần bơm thuốc cản quang duy nhất, giúp giảm liều tia và tiết kiệm 1/3 lượng thuốc cản quang so với kỹ thuật chụp thông thường.

Bên cạnh đó, kỹ thuật lập bản đồ đường đi mạch máu động Dynamic Coronary Roadmap giúp các bác sĩ can thiệp dễ dàng điều hướng dụng cụ trong quá trình can thiệp, giảm lượng thuốc cản quang và giảm biến cố cho người bệnh, thậm chí hiệu quả trong can thiệp tổn thương tắc mạch vành mãn tính.

Ngoài ra, kỹ thuật StentBoost Live giúp tăng cường hiển thị stent với độ phân giải cao, cho phép căn chỉnh bóng nong chính xác trong lúc đặt stent. Đặc biệt phải kể đến công nghệ tích hợp và hòa hình siêu âm lòng mạch IVUS và sinh lý lòng mạch với hình ảnh chụp mạch giúp tối ưu hơn nữa chiến lược can thiệp mạch vành. Trong lĩnh vực can thiệp tim cấu trúc được dự đoán sẽ ngày càng phát triển trong các năm tới, TS.BS. Phan Tuấn Đạt cũng đề cập tới các công nghệ hòa hình tiên tiến của dữ liệu Cắt lớp vi tính/ Cộng hưởng từ /Siêu âm với hình ảnh chụp mạch can thiệp giúp dẫn hướng dụng cụ can thiệp dễ dàng hơn với liều cản quang tối giản hơn cho bệnh nhân.

Trong khuôn khổ hội thảo, Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt đã thông tin khái quát về quá trình hình thành và phát triển Đơn nguyên tim mạch của bệnh viện. Đơn nguyên hiện có 22 giường bệnh, được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, gồm máy siêu âm tim mạch, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), máy tạo nhịp tim tạm thời… Với đội ngũ nhân lực có trình độ cao, đơn nguyên có khả năng can thiệp, điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu phức tạp.

Sau phần truyền đạt lý thuyết, học viên tham gia hội thảo được theo dõi trực tiếp ca chụp can thiệp tim mạch cho bệnh nhân nam 84 tuổi tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, do ekip Viện Tim mạch Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt thực hiện.

Với ý nghĩa thiết thực, hội thảo đã giúp đội ngũ cán bộ, bác sĩ của các cơ sở y tế tại các tỉnh miền núi phía Bắc có cơ hội học hỏi, tiếp cận kỹ thuật can thiệp tim mạch hiện đại từ các chuyên gia từ tuyến trung ương, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, tạo thuận lợi phát triển các kỹ thuật can thiệp tim mạch chất lượng cao ngay tại tuyến y tế cơ sở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục