Việt Nam kêu gọi hỗ trợ phòng chống cúm A/H7N9

Đỗ Thủy, icon
10:36 ngày 06/05/2013

 Tuy chưa có bằng chứng về lây truyền bền vững hoặc lây truyền từ người sang người, nhưng loại virus này rất khó kiểm soát. Các tổ chức quốc tế cam kết sẽ cùng Việt Nam tăng cường các biện pháp phòng chống cúm A/H7N9 trong thời gian tới.

Ảnh khai thác
Đây là một nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội nghị “Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam” được tổ chức sáng 6/5 tại Hà Nội.

Theo Bộ NN-PTNT, xét nghiệm mới đây cho thấy, đã phát hiện hai mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp dương tính với virus H7. Tuy nhiên, kết quả phân tích gene của 2 mẫu này không giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc. Như vậy, vẫn có thể kết luận là chưa phát hiện thấy virus H7N9 trên đàn gia cầm ở nước ta.

Trong khi FAO và WHO khuyến cáo, không nên kiểm tra kỹ người qua lại cửa khẩu cũng như không nên cấm nhập khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật thì phía Việt Nam cho rằng, đây là một giải pháp cấp bách để ứng phó với dịch bệnh.

TS.Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết: “FAO muốn lưu ý là nguy cơ chưa cao, nhưng ở Việt Nam chúng ta lại thấy cao vì gia cầm thường xuyên nhập lậu sang Việt Nam và người Việt Nam thường xuyên sử dụng sản phẩm gia cầm của Trung Quốc”.

Với quan điểm này, Bộ NN&PTNT mới đây đã có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh phía Bắc nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, trao đổi, thậm chí là cho, tặng gia cầm qua biên giới. Hiện bộ này đang tiến hành lấy 18.000 mẫu gia cầm tại 60 chợ thuộc địa bàn 9 tỉnh phía Bắc, nơi được đánh giá là có nguy cơ nhiễm cúm cao để xét nghiệm. Dự kiến, cuối tháng 5, kết quả sẽ được công bố.

Cũng trong Hội nghị, kịch bản phòng chống cúm A/H7N9 đã được Bộ Y tế chính thức công bố. Theo kịch bản này, nhu cầu kinh phí cho việc phòng chống dịch lên tới gần 115 triệu USD. Trong đó, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 36 triệu USD, số còn lại sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Vừa rồi, Trung Quốc đã chính thức chi 50 triệu USD cho việc phòng chống H7N9, những thiệt hại về kinh tế do H7N9 gây ra ở Trung Quốc đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà nước này bỏ ra để phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, con số mà chúng tôi đưa ra không thể nói là cao, mà chỉ là vừa đủ để ứng phó với dịch nếu xảy ra”.

Ngay trong Hội nghị, một số tổ chức như WHO, FAO và Ngân hàng thế giới WB đã cam kết sẽ ủng hộ Việt Nam trong chiến dịch này. Tuy nhiên, khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế vẫn là việc cần phải có sự bắt tay chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng, cụ thể là hai bộ NN-PTNT và Y tế. Bên cạnh đó là việc công khai thông tin để các cấp, các ngành và địa phương có kế hoạch hành động cụ thể.

Cùng chuyên mục