Virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới cơ tim

Nhật Anh, icon
10:05 ngày 14/09/2020

VTV.vn - COVID-19 được xác định là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhưng một nghiên cứu mới của Mỹ chứng minh đây có thể được coi là một bệnh tim mạch do khả năng phá hủy tim.

Hình: ABC News.

Trong nghiên cứu mới dựa trên phương pháp nuôi cấy tế bào, nhóm khoa học từ Viện Gladstone (Mỹ) đã cấy virus SARS-CoV-2 vào tế bào tim người nuôi cấy tại phòng thí nghiệm. Kết quả là virus đã cắt các sợi cơ dài, giúp duy trì nhịp tim, thành những đoạn ngắn, gây rối loạn nhịp tim, và để lại nhiều hậu quả lâu dài.

Đây không phải lần đầu nhóm chứng kiến các sợi cơ tim bị virus cắt ngắn. Trước đó, hiện tượng tương tự từng được quan sát trong mô tim của bệnh nhân mắc COVID-19 đã tử vong.

"Trong giai đoạn đầu nghiên cứu, chúng tôi phát hiện rất nhiều tế bào tim có những biểu hiện kỳ lạ", ông Todd McDevitt, thành viên nhóm nghiên cứu nói. "Những gì chúng tôi quan sát được hoàn toàn bất thường. Trong nhiều năm nghiên cứu tế bào cơ, tôi chưa từng thấy hiện tượng nào tương tự".

Còn theo Tiến sĩ Bruce Conklin, thông tin DNA hạt nhân bị thiếu ở rất nhiều tế bào tim bệnh nhân Covid-19. Tức các tế bào này không thể hoạt động bất kỳ chức năng nào một cách bình thường, gây ảnh hưởng tương đương tình trạng chết não.

"Chúng tôi tin hiện tượng này chỉ xảy ra với riêng bệnh nhân COVID-19. Đây có thể là lý do nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể bị tổn thương tim kéo dài", ông giải thích.

Kết quả bổ sung vào các nghiên cứu trước đây về ảnh hưởng của bệnh COVID-19 tới sức khỏe tim mạch, ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi một thời gian dài. Đó là bởi khác với các cơ quan khác trong cơ thể, tim không có chức năng tái tạo mô. Người mắc COVID-19 dù là thể nhẹ vẫn có thể phát triển các vấn đề tim mạch nhiều năm sau đó.

"Phát triển được liệu pháp bảo vệ tim khỏi những tổn thương mà chúng tôi quan sát được trong nghiên cứu rất quan trọng", chuyên gia McDevitt nhận định. "Ngay cả khi không thể ngăn SARS-CoV-2 tấn công các tế bào, các bác sĩ vẫn có thể cho người bệnh uống thuốc để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực này xảy ra khi mắc bệnh".

Trước đó, vào tháng 7, một nghiên cứu đã phát hiện khoảng 60% trong 100 bệnh nhân COVID-19có dấu hiệu viêm tim, 18% gặp các vấn đề tim khác. Hơn 30% phải nhập viện, song không ai có các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng.

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy tác động của covid-19 tới các hệ cơ quan, trong đó có tim, đường tiêu hóa, thận. Virus gây rối loạn chức năng tim ở 50% bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân nhẹ, không có tiền sử tim mạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục