Virus SARS-CoV-2 tấn công bệnh nhân mạnh nhất thời điểm nào?

Tuấn Dũng, icon
10:13 ngày 17/08/2020

VTV.vn - Với các bệnh nhân COVID-19, trong quá trình điều trị sẽ có những thời điểm virus SARS-CoV-2 tấn công vào các cơ quan mạnh nhất dẫn đến những tổn thương cho người bệnh.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: Những bệnh liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là bệnh có thể dẫn đến tình trạng tử vong bất cứ lúc nào. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân bị suy tim, suy thận mạn. Chính vì vậy, trên nền các cơ quan bị suy chức năng, tình trạng mất cân bằng sẽ xảy ra, chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến chức năng tim không ổn định và có thể dẫn đến rối loạn đông máu...

"Với bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là trong những ngày thứ 7, 8 và 15, đây là ngày mà virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh nhất vào các cơ quan. Gần 50% tử vong do COVID-19 đều liên quan đến chảy máu trong phế nang, chảy máu ở đường tiêu hóa, chảy máu ở đường tiết niệu" - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Về cơ chế tấn công của virus SARS-CoV-2 đối với cơ thể con người, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: COVID-19 tấn công vào cơ thể con người thông qua thụ thể trên tế bào có tên gọi là ACE2. Do đó, tất cả các tế bào nào mang điểm tiếp nhận ACE2 đều có nguy cơ bị virus tấn công. Các tế bào mang ACE2 có nhiều ở trong đường hô hấp, trong thận, trong não, tim, gan - đây chính là điểm đích để virus tấn công.

Một trong những vị trí mà tế bào mang ACE2 nhiều là các vi mạch, các mạch máu, các tế bào thành của mạch máu. Nếu virus tấn công vào các vị trí này, sẽ dẫn đến các phản ứng và nguy hiểm nhất là đông máu trong các vi mạch đó.

"Nếu như đông máu trong vi mạch phổi sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, nếu như đông máu ở các cơ quan phủ tạng khác thì các tạng này sẽ bị mất tưới máu dẫn tới mất chức năng do không được nuôi dưỡng gây suy đa phủ tạng" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Bản thân virus SARS-CoV-2 tấn công gây các tổn thương, gây suy đa phủ tạng ở người có hay không có bệnh nền. Đặc biệt với người có bệnh nền, ví dụ ở người bị suy thận mạn, khi bị virus tấn công sẽ gây ra tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn rất nhiều. Bản thân virus SARS-CoV-2 đã gây ra một tỷ lệ tử vong nhất định, cộng với các bệnh lý nền mà bản thân nó cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong, hai yếu tố này phối hợp với nhau làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền.

Hiện, Việt Nam có 24 trường hợp mắc COVID-19 ở nước ta tử vong, đó là các bệnh nhân BN496, BN426, BN429, BN524, BN475, BN499, BN428, BN437, BN 651, BN 718, BN456, BN430, BN737, BN436, BN 522. BN832, BN485, BN623, BN479 BN585 và BN702, BN699, BN 575.

Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đến nay đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục