Vỗ rung, long đờm cho trẻ em

Bạch Dương, icon
08:33 ngày 14/07/2018

VTV.vn - Trẻ nhỏ bị viêm phổi có thể sẽ có hiện tượng tăng tiết đờm dãi nhiều, gây ho đờm. Tuy nhiên trẻ nhỏ không thể khạc ra đờm như người lớn.

Hình minh họa (Ảnh: youtube)

Theo bác sĩ Đinh Xuân Hoàng, Khoa Nội Nhi - Đông Y, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương: Thời điểm vỗ rung long đờm cho trẻ tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy, sau 1 đêm dài ngủ lượng đờm ứ đọng sẽ nhiều hơn, hoặc sau khi khí dung, không nên vỗ rung cho trẻ khi trẻ vừa ăn xong, vì có thể khiến trẻ nôn ra cả thức ăn.

Tư thế vỗ rung long đờm: Trẻ có thể nằm nghiêng 1 bên, hoặc ngồi cúi đầu về phía trước, hoặc tư thế mẹ bế vác trẻ. Các tư thế này khiến dẫn lưu đờm tốt hơn.

Xác định vị trí vỗ: Vỗ từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.

Kỹ thuật vỗ rung long đờm:

- Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành 1 khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau, không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.

- Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng "bộp, bộp", cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Lưu ý không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho trẻ vì sẽ làm trẻ đau.

- Mỗi lần vỗ rung làm từ 10 – 15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho các bác sĩ.

Lưu ý: kỹ thuật này chỉ áp dụng khi trẻ ho có đờm, không áp dụng với những trẻ ho khan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục