Xây xước chân lúc chơi đùa, bé gái người Mông suýt chết vì uốn ván

P.V, icon
05:20 ngày 02/11/2019

VTV.vn - Sau hơn 1 tháng điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cứu sống bé gái 4 tuổi ở Kỳ Sơn, Nghệ An bị uốn ván nặng, nguy cơ tử vong cao lúc nhập viện.

Theo người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi đùa, cháu có vết trầy xước ở chân. Khi đó, gia đình cũng không để ý vì cho là vết thương nhỏ, bình thường. Sau đó, cháu bị sốt cao, co giật, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện tuyến huyện rồi bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu.

Bệnh nhi vào viện trong tình trạng bị sốt cao, cứng hàm, co giật, miệng khó há, khó nuốt, tăng trương lực cơ toàn thân.

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán: Bệnh nhi bị nhiễm vi trùng uốn ván, sức khỏe rất kém, tiên lượng xấu. Mất hơn một tháng điều trị tích cực, bệnh nhi mới cắt sốt, không còn co giật. Hiện tại đã ăn được sữa và cháo loãng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Khoa Hồi sức chống độc, đây là ca bệnh hiếm gặp, tình trạng bệnh nhi rất nặng, tiên lượng xấu, quá trình điều trị rất phức tạp, khó khăn. Trẻ phải dùng nhiều thuốc an thần, toàn thân co cứng, sốt cao liên tục, cắn lưỡi, chống máy thở.

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván có tên clostridium tetani gây nên. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương dẫn đến cứng cơ, có thể gây tử vong.

Có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ uốn ván, trong đó bao gồm: Hệ miễn dịch kém; vết thương hở như xăm mình, xỏ khuyên trong điều kiện vô trùng kém, vết tiêm; bỏng lan rộng; vết thương do phẫu thuật; nhiễm trùng tai; vết cắn của động vật; vết loét bị nhiễm trùng ở chân… Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt. Khi bị nhiễm trùng uốn ván, người bệnh sẽ bị tăng trương lực và co cứng cơ, co giật, suy hô hấp, loạn nhịp tim, suy tim… dẫn đến ngưng thở và tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh khuyến cáo: Bệnh uốn ván rất dễ phòng, nhưng lại khó chữa. Ngừa bệnh rất rẻ nhưng chi phí điều trị có khi lên cả trăm triệu đồng cũng chưa chắc giữ được tính mạng. Do đó, chủ động tiêm phòng bệnh uốn ván là việc nên làm.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai cần tiêm ngừa uốn ván để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho con. Từ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm những vaccine cộng hợp (6 trong 1, 5 trong 1) trong đó có chứa kháng nguyên bảo vệ trẻ phòng bệnh uốn ván. Trẻ 2 tháng tuổi bắt đầu tiêm mũi đầu, 2 mũi sau tiêm cách nhau 1 tháng và chích mũi nhắc khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi.

Đối với trẻ em trên 15 tuổi và người lớn cũng cần tiêm nhắc lại vì kháng thể uốn ván qua lứa tuổi này sẽ không còn khả năng ngừa được bệnh. Với những người bị thương nhưng chưa tiêm phòng uốn ván, ngay sau khi xử lý vết thương nên đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tiêm vaccine uốn ván và huyết thanh kháng uốn ván.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục