Xử lý nhanh ngộ độc do ăn côn trùng

CSTN, icon
07:59 ngày 19/06/2013

Lâu nay các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc không còn xa lạ với các trường hợp cấp cứu vì ngộ độc do ăn côn trùng, chỉ có điều đáng tiếc là số bệnh nhân không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng.

Hơn một tháng trở lại đây, tại Đồng Nai đã có 22 trường hợp bị ngộ độc nặng phải nhập viên do ăn ấu trùng ve sầu. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, run, trong đó có 5 người phải đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Ba bệnh nhân được cấp cứu vào bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng mạch chậm, rung giật tay chân và giãn đồng tử. Nguyên nhân bị ngộ độc là do một loại nấm ký sinh trên nhộng ve sầu. Điều tra hồi cứu cho thấy trước đó người thân trong gia đình đã đi đào ấu trùng ve sầu ở dưới đất, trong những gốc cây có lá mục mang về chế biến làm thức ăn.

Các chuyên gia cho biết các loại ấu trùng này có hình dáng khác thường, trên đầu nhộng ve sầu có 1 - 5 thân và phần cuối hơi phình ra. Ấu trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm độc. Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2 - 3 giờ tùy thuộc lượng ăn vào, có trường hợp chỉ ăn có 1 con nhộng vẫn bị ngộ độc. Người bị ngộ độc có các biểu hiện nôn ói, chân tay co giật và dẫn đến hôn mê sâu. Đặc biệt, bệnh sẽ nặng hơn nếu có uống rượu kèm theo.

‘ Ấu trùng ve sầu có nấm ký sinh. (Ảnh: Báo Đất Việt)

Trong thực tế và kinh nghiệm dân gian, có nhiều loại nhộng của các loài côn trùng như: Bọ cạp, đuông dừa, dế, ve… dùng để làm thức ăn. Tuy nhiên, khi các loài côn trùng này sống trong môi trường đất dễ có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh. Vì thế, khi con người ăn rất dễ bị ngộ độc cấp tính nặng, dù đã qua chế biến bởi độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ và không mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn. Tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ khi không biết chính xác đó là loại gì, hoặc ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên.

‘ Phóng viên VTV trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên về vấn đề ngộ độc do côn trùng. (Ảnh VTV News)

Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các ca ngộ độc vì ăn côn trùng. Bàn về chủ đề ngộ độc côn trùng phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai.

PV: Xin ông cho biết tại bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu hay chưa. Ông có thể cho khán giả được biết tại sao bệnh nhân ngộ độc loại côn trùng này lại bị nặng tới nhiều như vậy?

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi chưa tiếp nhận các ca ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu, các vụ ngộ độc vừa qua được phát hiện chủ yếu xảy ra tại các tỉnh phía Nam.

Đối với nguyên nhân khiến những người ăn ấu trùng ve sầu bị ngộ độc thì mọi người cần biết, bản thân ve sầu không có chất độc. Tuy nhiên, qua những thông tin nhiều chiều chúng tôi nhận được thì kết luận có thể các bệnh nhân bị ngộ độc do ấu trùng bị nhiễm nấm độc, thậm chí cả một chùm nấm mọc trên đầu ấu trùng.

Nấm có thể có hai dạng, một dạng như chúng ta thấy trong các hình ảnh đã được đưa trên truyền thông. Dạng thứ hai là vi nấm không thể thấy được bằng mắt thường mà phải soi bằng kính hiển vi.

PV: Thưa ông, tại sao lại xảy ra các trường hợp nhiều người cùng ăn ấu trùng một lúc tuy nhiên lại chỉ một vài người bị ngộ độc. Khi bị ngộ độc cách xử lý như thế nào là tốt nhất?

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Trường hợp này xảy ra rất nhiều khi ăn côn trùng, những trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng sẽ phản ứng với những thức ăn lạ mà dẫn tới dị ứng hay ngộ độc.

Khi bị ngộ độc nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn, có thể uống nước để tự gây nôn. Trường hợp nặng hơn hoặc hôn mê cần để bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, đối với những trường hợp khó thở và thở yếu cần hô hấp nhân tạo tùy theo các biểu hiện bệnh nhân có. Sau khi sơ cứu xong, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cấp cứu tại các trung tâm y tế để được điều trị kịp thời.

Mời quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên với với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, để tìm hiểu thêm về các xử lý trước tình huống bị ngộ độc.


Cùng chuyên mục