Xuất huyết giảm tiểu cầu - Căn bệnh nguy hiểm cho trẻ sơ sinh

Tuấn Bảo, icon
02:24 ngày 19/10/2021

VTV.vn - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa tiếp nhận một bệnh nhi 45 ngày tuổi trong tình trạng xuất huyết da niêm toàn thân.

Bệnh nhi được xuất viện sau 1 tuần điều trị. Ảnh: BVCC

Tại bệnh viện, xét nghiệm ban đầu cho thấy số lượng tiểu cầu của bệnh nhi giảm còn 6.000/mm3 máu. Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Nhi nhận định đây là trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu mức độ nặng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn quyết định truyền tiểu cầu và điều trị đặc hiệu theo phác đồ. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhi đáp ứng tốt, số lượng tiểu cầu tăng lên ngưỡng an toàn, được xuất viện và tái khám định kỳ theo lịch hẹn bác sĩ.

Theo các bác sĩ, xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là căn bệnh thể hiện sự rối loạn đông cầm máu có thể khiến cơ thể người bệnh bầm tím hoặc chảy máu. Sự xuất huyết xảy ra khi số lượng tiểu cầu (thành phần giúp đông máu và cầm máu) thấp một cách bất thường.

Trung bình, lượng tế bào máu ngoại vi đạt khoảng 150.000 tiểu cầu trên 1 microlit máu, nhưng đối với những bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát thường có lượng tiểu cầu dưới 20.000/mm3 máu. Bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm nếu như tiểu cầu giảm xuống dưới 10.000/mm3 máu có thể gây chảy máu não, đường tiêu hóa…

Bệnh lý này rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trong giai đoạn từ 2 - 9 tuổi, nguyên nhân có thể:

- Giảm tiểu cầu do kháng thể đồng chủng.

- Do thuốc và hóa chất và có loại chưa rõ căn nguyên.

- Do bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi), nhiễm ký sinh trùng (sốt rét).

- Ngoài ra, bệnh giảm tiểu cầu tự phát còn có thể do độc chất và tác dụng của một số loại thuốc gây ra, các loại thuốc có thể là thuốc hạ nhiệt, thuốc an thần, thuốc cảm cúm, kháng sinh...

- Đa số nguyên nhân xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ dưới 6 tháng đều có liên quan bệnh lý huyết học hoặc sử dụng thuốc ở mẹ.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Người bệnh cần chủ động kết hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ với việc xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và không làm cho bệnh tiến triển nặng thêm. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải tái khám, tuân thủ điều trị vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh cũng như các tác dụng phụ thường gặp của thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục