Y tế Nghệ An tích cực phòng chống dịch bệnh sau lũ

Hoài Thanh, icon
05:33 ngày 04/10/2013

 Xác định sau mưa bão, việc xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh là hết sức quan trọng nên ngay khi nước rút, ngành y tế Nghệ An đã tích cực giúp các địa phương và nhân dân xử lý môi trường.

Ngay sau khi nước rút, do xác gia súc, gia cầm chết, các khu chăn nuôi... đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất lớn. Do vậy, trung tâm y tế huyện Quỳnh lưu đã tiến hành xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh tại các địa bàn bị ngập lụt.

‘ Mưa lũ là điều kiện để nhiều loại dịch bệnh bùng phát. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Lê Văn Thảo, Giám đốc trung tâm y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn cho người dân trên địa bàn làm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, lực lượng y tế cũng đã cấp kịp thời các cơ số hóa chất và thuốc, đồng thời cử cán bộ xuống các địa bàn để hướng dẫn nhân dân xử lý nguồn nước, đảm bảo có nước sạch để dùng trong những ngày sau lũ, cách phòng chống dịch bệnh”.

Tuy nhiên, do lũ lên nhanh nên không chỉ người dân bị thiệt hại nặng nề mà ngay cả các trạm y tế của các xã tại huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai cũng bị nước ngập làm hư hỏng nhiều trang thiết bị, dụng cụ y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh sau lũ. Hiện nay, cán bộ nhân viên các trạm y tế đang khẩn trương dọn dẹp, làm vệ sinh để đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh và sẵn sàng phòng chống dịch bệnh.

“Khó khăn nhất thời điểm này là điện mất, không thể tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và cũng không hấp sấy được các dụng cụ y tế, đặc biệt là dụng cụ đỡ đẻ. Chỉ có một bộ dụng cụ dự phòng duy nhất, chúng tôi cũng đã dùng cho ca đỡ đẻ vừa qua, nếu sau đó có các ca sinh đẻ khác, quả thật sẽ không biết làm thế nào”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Trạm trưởng trạm y tế xã Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai cho hay.

Ngoài thuốc và hóa chất dự phòng tại chỗ, Sở y tế cũng đã bổ sung 9000 viên Aquatas khử khuẩn tuyệt đối, 50 kg hóa chất Cloramin B cho huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Lãnh đạo sở y tế và cán bộ y tế dự phòng tỉnh cũng thường trực tại các xã bị ngập nặng của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai để chỉ đạo xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh.

Bác sĩ Bùi Đình Long, Giám độc Sở y tế Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã đồng loạt triển khai các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh ở vùng lũ... Tuy nhiên, với tình hình này nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn, công tác phòng chống dịch bệnh không còn là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương”.

Điều đáng lo ngại là Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai vốn là địa bàn từng hàng năm thường xuyên xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy. Nếu thời điểm lũ lụt, công tác vệ sinh môi trường không được thực hiện một cách chặt chẽ thì nguy cơ các ổ dịch sốt xuất huyết và tiêu chảy bùng phát là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương cũng sẽ có môi trường để bùng phát trên diện rộng.

Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế rất cần sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, chính quyền các địa phương, đặc biệt là ý thức tự giác phòng bệnh của người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Cùng chuyên mục